Hai “cẩu tặc” Nguyễn Đình Đức và Hoàng Văn Anh bị người dân TP Hà Tĩnh bắt giữ, đốt xe máy |
Rùng mình người dân “xử cẩu tặc”
Tại làng Mỹ Quan (xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An) trong vòng vài năm người dân đã bắt được 5 vụ trộm chó; trong 5 vụ thì có đến 4 “cẩu tặc” phải bỏ mạng, 4 người bị đánh đến tàn phế và 4 chiếc xe bị đốt thành tro…
Điển hình như vụ xảy ra vào tháng 11/2010, dân làng Mỹ Quan bắt được 2 “cẩu tặc” khi chúng đã thu “chiến lợi phẩm” là hai chú chó đựng trong bao tải. Người dân đã trút “mưa” võ tay chân không thương tiếc khiến một đối tượng suýt chết, đối tượng còn lại may mắn trốn thoát.
Một vụ việc khác xảy ra vào khoảng 2h ngày 23/1/2013, phát hiện 2 “cẩu tặc” đang “hành nghề”, dân làng tri hô chặn mọi ngả đường ra vào. Khi bắt được thủ phạm, không một lời giải thích, một đối tượng bị người dân bắt đánh chết tại chỗ, đối tượng còn lại bị… thương nặng, chiếc xe máy bị đốt thành tro.
Tại huyện Nghi Lộc, chiều 12/10/2012, đối tượng Hoàng Công Hiệp (SN 1987) và Đào Ngọc Lâm (SN 1989) đi xe máy câu trộm chó tại xã Nghi Xuân. Người dân đã chặn các lối ra bắt được và đánh hội đồng khiến Hiệp ngất tại chỗ, chiếc xe máy bị đốt rụi Lâm may mắn trốn thoát.
Khi công an huyện có mặt tại hiện trường để giải quyết, người dân vây quanh xe cứu thương không cho Hiệp đi cấp cứu, dù khi đó người này đã thoi thóp. Sau một thời gian thương thuyết, nạn nhân được đi cấp cứu thì đã tử vong.
Tại TP Vinh, người dân xã Nghi Phú cũng từng ra tay khiến một cẩu tặc bất tỉnh: Khoảng 20h50 ngày 20/6/2012 tại địa bàn xã Nghi Phú, hai thanh niên đi xe máy đến địa bàn xóm 6 của xã trộm chó. Vừa bắt được một con chó thì bị người dân phát hiện, đuổi bắt. Một người nhanh chân chạy thoát, đối tượng còn lại bị người dân vây đánh bất tỉnh. Lực lượng công an có mặt giải thoát đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chế, chiếc xe máy cũng bị đốt cháy rụi.
Cũng như ở Nghệ An, tình trạng trộm chó tại Thanh Hóa cũng diễn biến vô cùng phức tạp. Dư luận cả nước vẫn chưa quên vụ trộm chó bị người dân đánh chết ngay trong chuồng lợn của gia đình anh Sếp, chị Thương ở xã Thạch Bình (huyện Thạch Thành).
Tại Hà Tĩnh, dù không “nóng” như Nghệ An, Thanh Hóa nhưng nạn “cẩu tặc” nơi đây cũng khiến người dân bức xúc. Vụ “cẩu tặc” gây hậu quả nghiêm trọng gần đây nhất xẩy ra ở Hà Tĩnh là vụ hai anh em ruột "cẩu tặc" ở huyện Nghi Xuân đã tấn công lại khiến người nhà bị mất chó thiệt mạng.
Luật pháp không thể làm ngơ
Trung tá Cao Bá Tuyết – Đội phó Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An - cho biết: “Trộm chó thường là những đối ít học, có trình độ văn hóa thấp, trong đó 50% đối tượng là nghiện ma túy. Khi đi trộm chó các đối tượng thường chuẩn bị dụng vũ khí nóng như dao, kiếm, chai thủy tinh, súng cao su, súng điện… để chống trả lực lượng chức năng và người dân khi bị phát hiện truy bắt. Điều này cũng làm người dân bức xúc thêm và dẫn đến đánh hội đồng khiến trọng thương hoặc tử vong...”.
Cũng theo Trung tá Tuyết, để hạn chế tình trạng trộm cắp chó, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, các hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền luật đến với từng khối xóm, từng hộ gia đình.
“Theo tâm lý chung, con chó là con vật gần gũi, trung thành với chủ, nếu họ mất trộm chiếc xe máy thì sẽ không tiếc bằng mất trộm chó. Vì thế, nên tâm lý khi bắt được trộm chó người dân sẽ tham gia đánh hội đồng các đối tượng là điều khó tránh khỏi…”, Trung tá Cao Bá Tuyết cho biết thêm.
Để xử lý những đối tượng trộm chó một cách có hiệu quả nhất sau khi bị bắt là cho đi cải tạo trong trại giáo dưỡng thời gian hai năm để các đối tượng nhận ra sai lầm của mình, xử lý hành chính thả về địa phương rồi “ngựa quen đường cũ” dễ tái phạm lại.
Để xảy ra tình trạng trộm cắp chó và đánh hội đồng cũng một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương không tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu. Sau một thời gian công an huyện Nghi Lộc chỉ đạo Công an phụ trách xã phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền vận động đến từng hộ dân đã thấy rõ được hiệu quả.
Theo Đại tá Lê Xuân Điệp, Trưởng Công an huyện Yên Thành, người dân cũng ý thức được việc đánh chết người là phạm tội, tuy nhiên trong lúc nóng giận đã tham gia đánh khiến “cẩu tặc” tử vong. Và cũng chưa có vụ đánh hội đồng kẻ trộm chó nào được đưa ra xét xử nên người dân vẫn xông vào quyết cho “cẩu tặc” một trận.
Những giải pháp cần thiết
Trước tiên, người dân cần có ý thức đối với việc thả rông chó; cần nuôi nhốt để tránh tình trạng chó thả rông bị câu trộm rồi xảy ra việc bắt trộm chó, đánh hội đồng. Đối với việc xử lý đối tượng trộm chó, luật pháp hiện hành còn quá nhẹ, khi đối tượng trộm một con chó thì giá trị chưa quá 2 triệu đồng để khởi tố vụ án hình sự.
Cơ sở thu mua chó trộm bị công an phát hiện bắt giữ. |
Khi đưa tên trộm ra xử lý hành chính, phạt vài trăm ngàn rồi lại về tái phạm khiến người dân thêm bức xúc. Thượng tá Mai Chiến Thắng – Phó trưởng Công an TP.Vinh - cho biết: “Trước hết người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và tài sản của mình, công an thành phố cũng phối hợp với chính quyền địa phương các phường, xã vận động tuyên truyền khi phát hiện, bắt giữ được trộm chó thì phải giao nộp cho cơ quan công an để xử lý, không được đánh hội đồng.
Một việc cần thiết mà Công an thành phố Vinh đang tiến hành làm là xác định các điểm tiêu thụ chó để xử lý triệt để. Tới đây, một số tụ điểm thu mua chó trộm sẽ được đưa ra xử phạt để hạn chế tình trạng trên…”
Theo Thượng tá Lê Văn Lý – Phó trưởng Phòng cảnh sát Cơ động – Bảo vệ Công an Thanh Hóa cho rằng: “Trước đây chúng tôi kết hợp với Công an điều tra đã khám phá và triệt tiêu nhiều ổ nhóm trộm chó trên địa bàn TP.Thanh Hóa. Điển hình như năm 2006, chúng tôi bắt đối tượng Đỉnh ở xã Quảng Thịnh, thu giữ trên 400 kg chó, khởi tố 6 đối tượng. Để hạn chế được nạn “cẩu tặc” thì phải biết được những đầu mối tiêu thụ, các đối tượng phải được khoanh vùng theo dõi, lực lượng an ninh địa bàn cũng cần phối hợp chặt chẽ với quần chúng nhân dân…”.
Tình trạng trộm cắp chó vẫn chưa hết “nóng” chừng nào vẫn chưa có luật xử lý nghiêm minh hơn tội trộm cắp chó…
Theo Pháp luật Việt Nam