Lợi ích của rượu tỏi
Trong củ tỏi có chứa 0,10 – 0,36% tinh dầu, trong đó hơn 90% chứa các hợp chất lưu huỳnh (S). Thành phần chủ yếu của tỏi là chất alicin có mùi đặc trưng tỏi.
Nhất là trong tỏi tươi khi giã nát có chứa nhiều alicin. Ngoài ra, củ tỏi còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng… đặc biệt là selen.
Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn, hơi có độc tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở cổ, tiêu đờm…
Kết hợp tỏi với rượu trắng sẽ thành 1 bài thuốc trị được nhiều bệnh. Điển hình nhất, rượu tỏi từ lâu đã được xem là một loại thuốc chữa đau nhức do viêm khớp rất hiệu quả.
Rượu tỏi cũng nổi bật là tác dụng kháng khuẩn, hoạt tính kháng nấm nên chúng có tác dụng kháng virut, điều trị hiệu quả các bệnh viêm họng, tiêu đờm…
Bên cạnh đó, chúng còn tốt cho hệ tim mạch khi có tác dụng làm giảm triglycerid và giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL), nhưng lại tăng cholesterol tốt (HDL) do đó làm giảm các rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu. Ngoài ra, chúng cũng giúp cơ thể phòng ngừa ung thư.
Cách ngâm rượu tỏi
Ngoài tỏi Lý Sơn, tỏi đen, bạn có thể dùng các loại tỏi thông thường để ngâm rượu cũng rất tốt cho cơ thể.
Cách 1:
Lấy 250g tỏi bóc vỏ, rồi đem ngâm với 500ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát.
Sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 25-30ml.
Cách 2:
Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi, rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho ngập tỏi.
Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu càng tốt.
Cách dùng rượu tỏi:
- Mỗi ngày nên uống rượu tỏi 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê ngay sau khi đi ngủ và mỗi khi thức giấc.
- Chữa đầy bụng, khó tiêu: Nước ép tỏi bỏ bã đi rồi pha với nước ấm để uống hằng ngày.
- Trị viêm họng: Ngâm tỏi với dấm trong vòng 30 ngày hoặc ngậm tỏi thái lát sau khi ngâm dấm. Ngậm khoảng 10-15 phút để tỏi phát huy tác dụng. Nếu kiên trì chữa, bệnh sẽ thuyên giảm.
Vân Anh (tổng hợp)