Cuối năm, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu ngoại dỏm lại diễn biến phức tạp. Theo cơ quan quản lý thị trường, rượu giả ngày càng được sản xuất tinh vi nên người tiêu dùng thông thường rất khó nhận biết.
Mới đây, cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra và bắt quả tang một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô hàng chục ngàn chai. Đơn vị này đã dùng một loại rượu vang trong nước để đóng chai rồi tự in bao bì, nhãn mác của một loại rượu vang ngoại và tung ra thị trường bán với giá cao. Để dễ lừa người tiêu dùng, họ còn làm giả cả tem nhập khẩu... Đại diện cơ quan quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết đã xác định số xê-ri tem của các dòng rượu được phép nhập khẩu nên có đủ cơ sở xử
Thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường trên cả nước cũng thường xuyên phát hiện và xử lý nhiều điểm kinh doanh rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại hội thảo về xâm phạm sở hữu trí tuệ vừa được tổ chức tại TPHCM, các đại biểu cho rằng tình trạng làm giả, nhái các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng đáng báo động, nhất là rượu ngoại. Đại diện Văn phòng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phía Nam cho biết rượu giả hiện nay được sản xuất rất tinh vi nên chỉ khi uống người tiêu dùng mới cảm nhận là giả. Lúc đó, họ không còn bằng chứng để đi khiếu nại, nhất là các loại rượu ngoại uống ở nhà hàng, quán nhậu…
Anh Đặng Anh Trung, một chuyên gia thực phẩm khá am hiểu về rượu tại TPHCM, cho biết rượu ngoại giả trên thị trường thường có 2 dạng: Dạng làm giả nguyên chai thường có nguồn gốc từ Trung Quốc và dạng chỉ làm giả “ruột”, chủ yếu là pha rượu thường với hương liệu, còn vỏ và nắp chai là hàng thật.
Theo anh Trung, đối với dạng rượu giả thứ nhất, có thể phân biệt bằng cách nhìn vào tem của Bộ Công an dán trên nắp chai. Đây là tem bở, giống tem bảo hành của các cửa hàng máy vi tính. Còn tem giả thường chỉ là giấy bóng in bình thường, có thể bóc ra dễ dàng mà không bị rách. Hình ảnh trên nắp chai rượu giả thường được in kéo lụa nên không sắc sảo bằng nắp thật; chai thường có bọt khí vì được đúc thủ công; tem cũng không sắc sảo bằng tem thật...
Dạng rượu giả thứ 2 (chai thật, ruột giả) phổ biến hơn và cũng khó phát hiện hơn do khó nhận biết từ bên ngoài mà chủ yếu phân biệt bằng kinh nghiệm. Theo anh Trung, trước hết có thể quan sát seal (vỏ ngoài chai). Do nắp chai đã được gỡ toàn bộ bằng một dụng cụ dẹp và mỏng (dụng cụ này có thể tháo toàn bộ nắp chai rượu ngoại một cách dễ dàng mà không làm rách tem, cũng như phải phá seal), sau đó được nhân viên pha chế ở nhà hàng tuồn ra ngoài, nên trên viền sẽ có vết rạn, kể cả khi đã đóng lại nắp bằng máy thì những vết rạn này vẫn không thể biến mất.
Một kinh nghiệm nữa là quan sát bọt khí nổi lên bằng cách lật ngược chai rượu. Nếu là rượu thật, bọt khí sẽ rất mịn và đều, di chuyển chậm không theo phương thẳng đứng mà tỏa ra rồi mới nổi dần lên. Nhìn phía trên, ta sẽ thấy những bọt khí lớn hơn một chút bám vào chai. Trong khi đó, nếu là rượu giả, bọt khí sẽ to hơn và có xu hướng nổi lên theo chiều thẳng với tốc độ nhanh hơn.
Theo NLĐ