Thầy Nguyễn Kim Cương, giáo viên Toán trường PTTH Đồng Lộc – Can Lộc (Hà Tĩnh) cho rằng, học Toán lưu ý với các học sinh, khi ôn tập một cách thật vững chắc tất cả các kiến thức cơ bản và các dạng bài tập cơ bản có trong chương trình. Tuỳ từng đối tượng học sinh để có phương pháp và cách dạy khác nhau. Dựa vào tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp và ôn thi ĐH, giáo viên có thể phân phối chương trình theo tuần, mảng, dạy đại trà cho các lớp. Tuỳ từng lớp đi vào chuyên sâu, có kế hoạch cụ thể từng tuần, mỗi tuần một chuyên đề.
Đối với môn Toán hay bất cứ môn thi nào thì thí sinh cũng nên làm các câu câu hỏi từ dễ đến khó, tùy theo sở trường của mình. Mỗi câu dễ, tính toán đơn giản cần được làm trong khoảng thời gian ngắn hơn 18 phút, dưới 15 phút là hợp lí nhất - thầy Cương nói.
Theo thầy giáo Cương, thường những câu sau cần làm nhanh: vẽ đồ thị hàm số, bài toán phụ trong khảo sát hàm số, giải phương trình (lượng giác, đại số, vô tỉ, mũ - logarit), tính tích phân, giải hệ phương trình đại số, hình giải tích phẳng và đặc biệt là số phức. Cố gắng tính toán thật cẩn thận, tính đúng ngay từ lần đầu vì rất khó phát hiện sai sót trong bài làm của mình tại phòng thi vào lúc cuối giờ.
Mặc dù trọng tâm kiến thức thi tốt nghiệp tập trung ở chương trình lớp 12 nhưng phần lớn các bài toán THPT đều liên quan đến chương trình lớp 10, 11 như việc rút gọn một biểu thức, giải phương trình và bất phương trình bậc nhất, khảo sát, tích phân... Học sinh cần phải nắm vững các kiến thức, kĩ năng nói trên.
Thi tốt nghiệp chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, ngoài kiến thức cơ bản đòi hỏi phải có kĩ thuật, tư duy biết phân tích tìm hướng đi. Ví dụ phần kiến thức nền tảng về Hình học không gian. Thực tế cho thấy rất đông thí sinh làm bài kém ở phần các câu hỏi ở nội dung này - thầy Cương cho biết thêm.
Cũng theo thầy giáo Cương, một số bài toán tìm điều kiện hay giải phương trình, hệ phương trình, thí sinh cần đặc biệt chú ý tới việc đặt điều kiện và kiểm tra. Trong đề thi toán, điều kiện chiếm khoảng 1 điểm, chưa kể nếu không kiểm tra kĩ điều kiện sẽ dẫn đến đáp số cuối cùng sai, làm mất điểm.
Để tránh mắc sai lầm khi bỏ sót hay làm hai lần một câu hỏi, thí sinh nên đánh dấu vào tờ đề thi những câu vừa làm xong, đồng thời ghi đáp số vào đó để dễ kiểm tra sau khi thi. Thí sinh cũng không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu khó. Nếu sau khoảng 15 phút mà vẫn chưa tìm đúng hướng, nên dừng lại giải câu khác trước. Thí sinh cần làm ít nhất 7 câu đúng mới nên tập trung giải những câu khó.
Cuối buổi thi, khi còn khoảng 20 phút, với những câu khó không có khả năng giải ra được đáp số, hãy cố gắng kiếm thêm những điểm nhỏ. Chẳng hạn như đặt điều kiện, biến đổi một số bước của một phương trình, vẽ hình, tính một số yếu tố tạo ra đáp số như chiều dài đoạn thẳng, diện tích của hình, khoảng cách... Lưu ý rằng mỗi ý nhỏ được 1/4 điểm nên làm thêm được ý nào sẽ được thêm điểm của ý đó. Sau cùng, thí sinh rà soát lại toàn bộ xem có nhầm lẫn, thiếu sót nào không (bài làm, họ tên, số báo danh, tổng số tờ giấy thi...).
Nguyên An ghi