Đây cũng là cách để các cháu biết thêm về một môn thể thao rất là hấp dẫn, là đạp xe.
Hiện nay, cả xã hội đồng chung tay để phòng chống, ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới COVID-19 (nCoV) gây ra.
Trong đó, ngành giáo dục và UBND các địa phương đã có nhiều biện pháp để học sinh ở mọi cấp học thích ứng với dịch bệnh, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Trong khi đó, hầu hết các địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học 2 tuần (ít nhất là kéo dài đến hết ngày 16/2).
Số ngày nghỉ này được nối tiếp với 2 tuần nghỉ Tết nên đã kéo dài thành một tháng, tính đến thời điểm này. Thậm chí, một số địa phương có thể sẽ kéo dài kỳ nghỉ của học sinh thêm 1 đến 2 tuần, nếu tình hình dịch bệnh vẫn leo thang.
Vì vậy, đối với nhiều phụ huynh, bài toán đau đầu là làm sao để giữ cho con trẻ được an toàn, phòng chống được bệnh tật, đặc biệt là giữa thời điểm mà dịch viêm phổi cấp COVID-19 (nCoV) gây ra đang hoành hoành.
Mặt khác, cùng với phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh thì, điều quan trọng không kém là làm gì để cho con trẻ tham gia các hoạt động trong thời gian nghỉ học. Từ đó, giúp trẻ vừa có ý thức tiếp tục học tập, vận động, tránh ù lì… khi quay trở lại trường.
Ghi nhận của PV, trong thời gian này, mỗi nhà đang có nhiều cách để “ứng phó” với vấn đề này và nhiều gia đình đang có cách làm hay.
Anh Hoàng Trọng Phát (phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã hướng dẫn con vệ sinh sạch sẽ, đồng thời, có chế độ dinh dưỡng phù hợp hàng ngày.
Song song đó, tôi cũng cho các cháu tham gia một số hoạt động thể thao, như: đạp xe vòng quanh khu vực nơi tôi sinh sống. Đó là một cung đường dọc bờ sông Sài Gòn (giáp giữa quận 12, TP.HCM và tỉnh Bình Dương). Mặc dù, mặt đường không thuận lợi lắm, tuy nhiên, được đạp xe trẻ nhỏ rất thích thú”.
Cùng với Khang (13 tuổi) và Hưng (9 tuổi) con anh Phát thì tham gia “tour xe đạp dọc bờ sông” hàng ngày còn có 1 trẻ hàng xóm là Thành (8 tuổi), con của chị Lê Thị Kim Huê.
Theo lịch trình này, “các cháu chạy dọc bờ sông, có ghé vào một ngôi chùa để nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục hành trình qua một cây cầu khá là cao, ai nấy cũng cố gắng để vượt qua.
Cuối chặng đường là một quán cà phê khá cổ điển, và các cháu được nghỉ ngơi, ăn một cây kem, uống nước chừng 30 phút thì cả nhóm quay trở về.
"Tôi rất ủng hộ việc cho cháu đi đạp xe vào mỗi buổi sáng hàng ngày. Qua mấy buổi, cháu rất là thích thú, dù có mệt nhưng có thêm bạn để chơi là rất vui và khỏe mạnh. Buổi chiều, cháu vẫn phải học bài ở nhà để tiếp tục duy trì kiến thức”, chị Huê cho biết.
Anh Phát là một hướng dẫn viên du lịch, chuyên tour xe đạp cho khách quốc tế đến Việt Nam trong mấy chục năm qua. Với anh, thời gian được nghỉ ngơi, không phải đi tour (cùng với con trẻ được nghỉ học) thì cũng là dịp để anh đưa tụi nhỏ chạy xe đạp.
Ngoài rèn luyện sức khỏe, khám phá xung quanh thì cũng là cách để các cháu biết thêm về một môn thể thao hấp dẫn, là đạp xe.
Chuyên gia tâm lý, Ths.Bs. Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyến nghị: "Trong thời gian này, ngoài thời gian kèm, chỉ dạy học hành thì cũng phải để cho con trẻ tham gia các hoạt động vận động khác, như: đạp xe, đá bóng, cầu lông… hay bất cứ một hoạt động vận động nào để có thể làm cơ thể toát mồ hôi.
Có như vậy mới đủ sức để chống chọi lại với dịch bệnh, cùng với chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý thì sẽ vượt qua được những biến cố như hiện nay”.
Bà Trần Thị Ái Xuân, Giám đốc một chương trình đào tạo kỹ năng mềm cũng chia sẻ: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là trong những thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì luôn phải dạy cho con trẻ tinh thần chiến đấu để sinh tồn.
Sinh tồn ở đây không hiểu đơn thuần kiểu như bị lạc ở trong rừng mà phải chiến đấu vì những điều cơ bản nhất để sinh tồn trong cuộc sống, như: phải vệ sinh sạch sẽ cá nhân mình, ăn uống đầy đủ với nhiều chất dinh dưỡng và giải thích cho trẻ biết về dịch bệnh.
Đồng thời, phải tập thể thao, ngủ nghỉ hợp lý để giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là phải luôn duy trì tinh thần học tập, cả chương trình chính khoá và các nội dung bổ trợ khác.
Có như vậy thì trẻ mới có thể ứng phó được mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Mặt khác, cũng nâng cao cho trẻ cách nhận thức về những điều cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, từ đó, sẽ dần trưởng thành hơn”.