Cách phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Cách phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Chủ nhật, 28/08/2022 10:51

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2306/QĐ-BYT về hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, đến nay, nước ta vẫn chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước tình hình mở cửa đón khách du lịch và các đối tác kinh tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế, Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ và nguy cơ đối với Việt Nam

Theo ghi nhận của các tổ chức quốc tế, đến giữa tháng 8/2022, thế giới có hơn 38 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 12 người bệnh tử vong tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo PGS, TS, BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), đậu mùa khỉ (MonkeyPox) là căn bệnh đã từng bị lãng quên, nhưng đang quay trở lại tại rất nhiều nước trên thế giới. Hiện bệnh đã lan ra toàn cầu, không còn tính cục bộ tại khu vực châu Phi như trong quá khứ. Suốt giai đoạn 1996-2021, các vùng dịch nhỏ với khoảng 70 đến 80 ca nhiễm đã được ghi nhận tại Anh, Singapore, Nigeria, Israel, Mỹ. Song, từ ngày 6/5/2022 đến nay, con số các ca nhiễm đã tăng đột biến trên toàn thế giới. Mặc dù tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm bệnh này là không cao, song với số lượng bùng phát ngày càng gia tăng thì rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã thiết lập hệ thống giám sát dịch lưu hành nghiêm ngặt.

Tổ chức Y tế thế giới đã phân loại các quốc gia thành bốn nhóm, Nhóm 1 gồm các quốc gia không có bệnh đậu mùa khỉ ở người trong quá khứ và trong hơn 21 ngày qua; Nhóm 2 gồm các quốc gia có ca nhập cảnh, lây truyền người-người, khỉ-người bao gồm nhóm dân cư chính và nguy cơ cao; Nhóm 3 gồm các quốc gia đã biết/nghi ngờ lây truyền đậu mùa khỉ ở động vật; Nhóm 4 gồm các quốc gia có năng lực sản xuất các biện pháp đối phó (thuốc, vắc-xin). Việt Nam đang thuộc nhóm 1, và để duy trì tình trạng an toàn này, Chính phủ cùng các cấp, ban, ngành cũng đã nhanh chóng đưa ra những chỉ đạo chống dịch, quy định nhập cảnh và các kịch bản ứng phó chi tiết.

Tổng hợp từ các trường hợp được ghi nhận cho thấy, độ tuổi mắc bệnh trung bình là 37 tuổi, trong đó, nhóm 18 đến 44 tuổi chịu ảnh hưởng nhiều nhất (tới 76,7%). Mặt khác, khi xét về các yếu tố nguy cơ, yếu tố nổi trội nhất được xác định là quan hệ đồng tính nam (chiếm tới 97,5%).

Các trường hợp đậu mùa khỉ ở các quốc gia khu vực Ðông Nam Á-Tây Thái Bình Dương, đến nay hầu hết đều bắt nguồn từ người nhập cảnh. Ðây cũng là một mối nguy tiềm tàng trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế, đón khách du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19.

Hướng dẫn cách phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh

Mặc dù nguy cơ là hiện hữu, nhưng nếu mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ những người chung quanh thì nguy cơ hoàn toàn có thể đẩy lùi. Tính đến thời điểm hiện tại, đậu mùa khỉ chưa vào Việt Nam. Cùng với những biện pháp phòng, chống tích cực và những kịch bản đã được thiết lập sẵn, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một kết quả khả quan đối với căn bệnh này.

Các giai đoạn diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ

Theo hướng dẫn này của Bộ Y tế, diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ ở người có thể được chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: Từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 ngày đến 21 ngày). Ở giai đoạn này, người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát: Từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, đau họng, ớn lạnh, đau cơ. Bộ Y tế lưu ý, ở giai đoạn này vi rút có thể lây sang người khác.

Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày với tính chất: Vị trí phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân. Ban cũng có thể có ở miệng, mắt và cơ quan sinh dục. Tiến triển ban, tuần tự tiến triển của ban từ rát, sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng vảy khô cho đến bong tróc và có thể để lại sẹo. Kích thước tổn thương da, trung bình từ 0,5 cm đến 1cm. Số lượng tổn thương da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng lớn.

Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra 6 nguyên tắc dự phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Y tế nêu rõ, cần tăng cường tuân thủ thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó, áp dụng phòng ngừa lây nhiễm qua “tiếp xúc” và “giọt bắn” khi chăm sóc các trường hợp bệnh xác định và bệnh nghi ngờ. Trong trường hợp có các thủ thuật tạo khí dung, bắt buộc áp dụng thêm các biện pháp dự phòng qua không khí. Đặc biệt, điều tra, truy vết, xác định người tiếp xúc gần nhằm theo dõi, quản lý và tư vấn cách tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, quản lý người nhà người bệnh và khách thăm có liên quan đến đậu mùa khỉ.

Các sở sở y tế phải bố trí khu cách ly, sàng lọc

Dù hiện nước ta chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh triển khai sàng lọc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm, nếu địa phương có thông báo ca bệnh trong cộng đồng hoặc cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh đặt biển báo tại cổng vào để người bệnh có thể nhận biết ngay hướng đi tới khu sàng lọc. Khu vực sàng lọc cần được bố trí tại đơn vị khám bệnh và cấp cứu. Với những cơ sở khám, chữa bệnh không có điều kiện bố trí khu sàng lọc trong nhà, có thể thiết lập khu vực sàng lọc ngoài trời.

“Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc mang phương tiện phòng hộ phù hợp (khẩu trang y tế, mũ giấy, áo choàng phòng dịch và găng tay y tế). Khi khám sàng lọc lưu ý khai thác tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu triệu chứng của bệnh”, Bộ Y tế lưu ý.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cách ly người bệnh xác định nhiễm hoặc ca bệnh nghi ngờ tại khoa truyền nhiễm hoặc khu cách ly của cơ sở khám, chữa bệnh. Các đơn vị lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh bố trí sẵn sàng một buồng cách ly. Tùy theo tình hình bệnh dịch, có thể tăng số buồng cách ly cho đậu mùa khỉ tại đơn vị lâm sàng. Buồng cách ly người bệnh phải được dán biển cảnh báo và nêu rõ các biện pháp cách ly cần áp dụng, giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 mét. Hạn chế vận chuyển người bệnh ra ngoài khu cách ly.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, phụ nữ có thai không được tiếp xúc với người xác định nhiễm, nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ. Nếu bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, phải được theo dõi thêm của bác sĩ chuyên khoa sản. Nếu sản phụ sinh đẻ trong thời gian bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, nhân viên y tế phải áp dụng tối đa các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi đỡ đẻ hoặc thực hiện các thủ thuật lấy thai.

“Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời đậu mùa khỉ. Tạm dừng cho con bú trực tiếp trong giai đoạn bệnh đang tiến triển, nhưng vẫn có thể vắt sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ...”, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ.

Nguy cơ lây nhiễm

Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra 4 phân loại, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh. Cụ thể:

Nguy cơ cao: Những trường hợp tiếp xúc gần, trực tiếp mà không sử dụng phương hộ phòng hộ, như: Người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh bao gồm các tiếp xúc da kề da với bệnh nhân (như sờ, chạm...) và quan hệ tình dục; nhân viên y tế không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp khi trực tiếp khám, chăm sóc, điều trị; người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc, với không gian kín hoặc thông khí kém mà không sử dụng khẩu trang, phương tiện phòng hộ cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau phơi nhiễm; thực hiện báo cáo ca bệnh có thể nếu có biểu hiện triệu chứng; tiêm vắc xin theo hướng dẫn.

Nguy cơ trung bình: Tiếp xúc gần với các vật dụng có nguy cơ lây nhiễm. Chẳng hạn: Tiếp xúc với các vật dụng sinh hoạt của người bệnh: Quần áo, chăn, chiếu, gối...; một số tình huống phơi nhiễm đặc biệt khác do cán bộ dịch tễ trực tiếp điều tra xác định, bao gồm cả phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau phơi nhiễm. Thực hiện báo cáo ca bệnh có thể nếu có biểu hiện triệu chứng; tiêm vắc xin ngay theo hướng dẫn.

Nguy cơ thấp: Là những trường hợp tiếp xúc với trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, nhưng có sử dụng phương tiện phòng hộ; tiếp xúc trong cộng đồng từ 1 đến 3 mét với trường hợp nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Bộ phận giám sát lưu lại thông tin liên lạc theo hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế. Thực hiện tiêm vắc xin cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Không nguy cơ: Không có tiếp xúc với ca bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng trong 21 ngày qua; nhân viên phòng xét nghiệm tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân. Thực hiện tiêm vắc xin cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh.

Trúc Chi (t/h theo Hà Nội Mới, Nhân Dân)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.