Cách tân loại hình văn hóa nghệ thuật, 'món trộn' có khó nuốt?

Cách tân loại hình văn hóa nghệ thuật, 'món trộn' có khó nuốt?

Thứ 6, 04/10/2013 16:09

Như sự kết hợp giữa cải lương với nhạc jazz, đưa ngôn ngữ điện ảnh vào cải lương và mới đây nhất, ca sỹ Tân Nhàn thể hiện sự "liều lĩnh" khi pha chèo trên nền nhạc điện tử... Nhiều người đang băn khoăn tự hỏi, liệu cách tân có làm nên sự đột phá hay vô tình sẽ làm hỏng cả hai hoặc trở thành thứ tạp pí lù, "món trộn" khó nuốt?

Kỳ vọng làm nên một diện mạo mới?

Trong những ngày qua, album "Yếm đào xuống phố" của giải nhất dòng nhạc dân gian Sao Mai 2005 - ca sỹ Tân Nhàn đã gây được chú ý từ công chúng yêu nhạc. Bởi đây là một sản phẩm nghệ thuật có tính đột phá và mang nhiều yếu tố trải nghiệm khi kết hợp giữa chèo và jazz. Lần đầu tiên, loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo được thể hiện một cách mới mẻ trên nền nhạc điện tử như jazz. Nghĩa là, yếu tố niêm, luật, nhịp, phách của chèo đã được xử lý một cách phóng túng, tự do trong thế giới của jazz nhưng vẫn đảm bảo được hồn cốt của chèo.         

Sự kiện - Cách tân loại hình văn hóa nghệ thuật, 'món trộn' có khó nuốt?

"Tuy không tới mức hoàn hảo nhưng chắc chắn "Yếm đào xuống phố" sẽ không khiến khán giả kinh hãi", Tân Nhàn chia sẻ

Trước Tân Nhàn, cũng đã có một vài ý tưởng cách tân trong nghệ thuật như: Kết hợp giữa cải lương với nhạc jazz, đưa ngôn ngữ điện ảnh vào sân khấu cải lương, kịch nói "lai" chèo… Với mục đích phát triển và kế thừa những giá trị văn hóa cũ vốn chỉ hợp với thị hiếu của một bộ phận công chúng chuộng hoài cổ, nâng tầm lên thành một loại hình âm nhạc phù hợp hơn với quảng đại quần chúng. Hơn nữa, đây là một sự sáng tạo, một cách thử nghiệm mang tính mạo hiểm khi góp phần đưa hai loại hình vốn ở hai thái cực xích lại gần nhau hơn mà vẫn không làm mất đi giá trị vốn có. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn các giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc cùng song song phát triển với các loại hình âm nhạc đương đại. Đó là mong muốn của công cuộc cách tân. Nhưng do còn quá mới mẻ trong trạng thái tiếp nhận của công chúng, nên mục đích và ý nghĩa của những cuộc cách tân này chưa đạt được thành công như mong muốn.

Nhiều người băn khoăn tự hỏi, sự kết hợp giữa cũ và mới ấy có thực sự đến nơi đến chốn, có thể tạo ra một trào lưu cách tân nghệ thuật hay chỉ khơi ra rồi bỏ ngỏ theo kiểu "nửa nạc nửa mỡ"? Cũng không ít khán giả, nhất là khán giả lớn tuổi biểu lộ thái độ không đồng tình cách xử lý pha tạp theo kiểu "rượu vang và mắm tôm", vì như thế vô hình trung sẽ làm hỏng cả hai.

Có thể nói, việc cách tân cũng là một tín hiệu vui của đời sống âm nhạc Việt Nam khi mâm cỗ âm nhạc của chúng ta hiện nay đang thiếu trầm trọng những món ăn mới lạ. Quanh đi quẩn lại, công chúng vẫn mòn mỏi chờ đợi những món ăn mới, nhưng vẫn dựa trên nền tảng những "nguyên liệu" cũ, để thay đổi "khẩu vị". Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều nhạc sỹ, ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc đã mạnh dạn đứng lên làm "nhà pha chế" âm nhạc. Có lẽ ít ai có thể tưởng tượng được, những làn điệu cải lương nhịp phách quy chuẩn lại có thể được thể hiện một cách ngẫu hứng, bay bổng trên nền nhạc điện tử, jazz là lớp áo bên ngoài thể hiện sự thức thời, phù hợp với xu thế thời đại, còn cải lương là cái cốt lõi, giá trị tiềm ẩn bên trong. Những vở cải lương nổi tiếng từng đóng đinh trong cách thể hiện nay được "thổi hồn" thêm phần tươi mới như: "Giã biệt", "Lý bốn phương", "Úm ba la xì bùa"….

Sự kiện - Cách tân loại hình văn hóa nghệ thuật, 'món trộn' có khó nuốt? (Hình 2).

Cách tân thì phải thành công!

Nghệ sỹ Đào Văn Trung - người đã "khai sinh" ra ý tưởng kết hợp jazz và cải lương trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp cho biết, đây là ý tưởng anh đã nung nấu từ rất lâu. "Nói về chất liệu âm nhạc thì tôi tin rằng nước ta là một trong những nước giàu nhất, nhì thế giới. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những chất liệu âm nhạc riêng đặc sắc, từ dân ca, quan họ, cải lương, chèo tuồng đến chầu văn, ca trù... Bạn bè quốc tế cũng rất yêu thích những chất liệu âm nhạc đó, nhưng khi giao lưu với các nước bạn chúng ta lại chưa có được một chất liệu chung nào là "riêng", là bản sắc. Nói như vậy không phải để so sánh mà để thấy rằng đã đến lúc chúng ta cần sử dụng các chất liệu âm nhạc phong phú của dân tộc mình để chế biến một bữa tiệc đặc biệt nhất. Trong bữa tiệc ấy có món chính, món phụ, món khai vị... và đương nhiên, món chính là món để quảng bá âm nhạc Việt Nam với thế giới".

Còn ca sỹ Tân Nhàn, người quyết định mạnh tay chi hàng trăm triệu cộng với hàng năm ròng "tầm sư học đạo" tập trung với chèo để dấn thân vào cuộc đầu tư "Yếm đào xuống phố" ra mắt trung tuần tháng 8 vừa qua.  Ngay trong nhan đề album cũng đã thể hiện sự cách tân táo bạo khi kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hơi thở hiện đại. Đây đúng là cuộc dạo chơi đầy mạo hiểm với âm nhạc truyền thống của quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2005 vì trong các thể loại âm nhạc truyền thống thì chèo là thể loại khó hát nhất.

Tân Nhàn cho biết: "Để thuộc một làn điệu chèo, ngấm hết hồn cốt của nó tôi phải mất vài tháng là ít. Phải nghe đi nghe lại, nghe mọi lúc mọi nơi có thể. Không nghe không thể ngấm được. Làm thế nào để ra tinh thần của chèo nhất chứ không phải là phá nát kết cấu của chèo cổ. Đấy là điều khó nhất". Tân Nhàn cũng cho rằng có thể sản phẩm âm nhạc của cô sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng chắc chắn nó không thể làm hỏng được hai loại hình nghệ thuật đó. "Tuy không tới mức hoàn hảo nhưng chắc chắn tôi không khiến khán giả kinh hãi bởi thứ âm thanh phát ra từ thanh đới của mình, bởi nó vẫn có đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của âm nhạc và cách hát nẩy hạt của chèo. Với tôi đây là một sản phẩm mang tính thử nghiệm, nhằm thỏa mãn niềm đam mê với âm nhạc truyền thống và tôi quan niệm rằng mình đang làm một món mới góp phần vào bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc hiện nay", Tân Nhàn hào hứng nói.

Kết quả cuối cùng, liệu chèo và jazz có phải là sự kết hợp "ngọt và béo" hay không vẫn chưa có lời đáp bởi câu trả lời đó phải được hình thành qua thời gian và sự chiêm nghiệm. Nhưng "Yếm đào xuống phố" cũng thành công ít nhiều trong việc pha trộn giữa loại hình âm nhạc truyền thống và hiện đại, nhưng không làm phá vỡ nét cổ điển vốn có.

Không phải ai cũng đủ tinh tế, tỉnh táo và được may mắn mỉm cười như Tân Nhàn qua "Yếm đào xuống phố". Cũng là sự cách tân nhưng khi kết hợp giữa kịch nói pha chèo lại vô tình trở thành thảm họa. Sự pha trộn thiếu đầu tư đã khiến "món ăn hổ lốn" này trở nên khó nuốt. Tại một Liên hoan sân khấu chèo, khán giả ngồi xem không thể hình dung họ đang xem kịch nói hay kịch chèo. Bởi sự cách tân nhưng xa rời những nền tảng và giá trị cũ đã vô tình đẩy "đứa con lai" này vô thừa nhận, kịch nói không phải mà chèo cũng không giống.

Không thể phủ nhận sự sáng tạo của các nghệ sỹ nhằm thổi làn gió mới, hơi thở mới vào những giá trị truyền thống xưa cũ, đó là điều rất đáng hoan nghênh. Đây cũng là xu thế phát triển dựa trên việc bảo tồn các giá trị nền tảng.

Sự kiện - Cách tân loại hình văn hóa nghệ thuật, 'món trộn' có khó nuốt? (Hình 3).

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng: "Cách tân thì phải thành công"

Đừng làm hỏng nền âm nhạc

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng: "Hàng ngày tôi vẫn nghe, vẫn dõi theo những biến chuyển trong đời sống nghệ thuật, nhưng những nhạc phẩm âm nhạc hiện nay không đọng lại trong tôi điều gì. Cái mới rất đáng hoan nghênh, đồng thời phải biết kế thừa quá khứ. Có thể họ ngụy biện đó là cách tân nhưng đã cách tân thì phải thành công, chứ đừng nhân danh cách tân mà làm hỏng nền âm nhạc của chúng ta".

Bảo Hằng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.