Nỗ lực quyết liệt, hiệu quả để đẩy lùi đại dịch
Đại diện cho các tổ chức quốc tế phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức ngày 29/10, TS.Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chúc mừng những nỗ lực ứng phó rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam để đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Việt Nam đã kiểm soát được số ca tử vong và ca mắc mới nhờ triển khai một loạt các biện pháp về xã hội và y tế công cộng kịp thời, hiệu quả.
Theo TS.Angela Pratt sau khi Việt Nam tiếp cận được vắc-xin Covid-19 đã triển khai một chiến dịch bao phủ vắc-xin khẩn cấp, bao gồm nỗ lực đưa vắc-xin tiếp cận được mọi nơi, mọi người trên đất nước.
WHO tự hào được đồng hành hỗ trợ các nỗ lực này, cùng với các đối tác khác như Unicef. Chiến dịch triển khai vắc-xin này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại.
"Việt Nam cũng phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực, cách thức ứng phó Covid-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng thời, bà đã nêu lại một số điểm nổi bật nhất trong cách ứng phó Covid-19 của Việt Nam đó là: Năng lực phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra, truy vết và ứng phó rất nhanh chóng; biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa; đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và trình độ cao, có tinh thần yêu nước; những nỗ lực để có được vắc-xin, triển khai chiến dịch vắc-xin thần tốc; sự nhiệt tình tham gia của toàn xã hội vào việc ứng phó; quan trọng nhất là vai trò chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia cũng như Ban chỉ đạo ở các cơ sở.
"Thay mặt WHO, tôi xin đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Y tế cũng như các nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ.
Ngày 10/5/2023, WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì dịch Covid-19, bên cạnh đó Việt Nam cũng đã chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
6 lĩnh vực WHO khuyến nghị
Tuy nhiên, theo TS.Angela Pratt chúng ta vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn, Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan và xuất hiện những biến chủng mới, vẫn có những ca nhiễm bùng phát trở lại.
Do đó, TS.Angela Pratt đề cập đến 6 lĩnh vực WHO khuyến nghị cần chú trọng trong thời gian tới:
Đầu tiên, Covid-19 cho thấy sự mong manh và tình trạng bất bình đẳng ở chuỗi cung ứng thuốc và vắc-xin trên toàn cầu như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập trong phần phát biểu khai mạc.
Những quốc gia như Việt Nam dễ tổn thương hơn, chúng ta cần đảm bảo sẵn sàng, kịp thời, đáng tin cậy trong việc cung ứng thuốc, vắc-xin và thiết bị chẩn đoán, trong đó có việc sản xuất trong nước, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ vắc-xin MRA.
Hai là khả năng phát hiện dịch bệnh ngay từ đầu của bất kỳ quốc gia nào sẽ quyết định khả năng ứng phó với dịch bệnh trên toàn cầu. Chúng ta cần đảm bảo được hệ thống giám sát hiệu quả và bền vững đối với Covid-19 cũng như các mầm bệnh đường hô hấp khác để có thể truy vết các biến thể tiếp theo.
Ba là, chúng ta cần tích hợp việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vào hệ thống tiêm chủng định kỳ, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhất, phù hợp với các khuyến nghị gần đây của các chuyên gia.
Tiếp đó, cần duy trì chế độ trao đổi thông tin, gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Điều này cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa thông tin sai lệch như một số đại biểu hôm nay đã chỉ ra, cần trang bị kiến thức cần thiết cho mọi người dân để bảo vệ bản thân và gia đình.
Xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và minh bạch. Điều này rất cần thiết cho việc ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp.
"Tất cả những điều này đòi hỏi sự duy trì sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ - một yếu tố quan trọng để đảm bảo chúng ta áp dụng được những bài học từ ứng phó Covid-19 và nâng cao năng lực ứng phó trong tương lai. Việt Nam có thể yên tâm rằng WHO sẽ luôn luôn đồng hành cùng Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực", TS.Angela Pratt nhấn mạnh.
Ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia thành viên của WHO đang đàm phán một hiệp định mới để chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Theo TS.Angela Pratt, WHO khuyến khích Việt Nam tiếp tục đóng góp vào thảo luận trên phạm vi toàn cầu, từ kinh nghiệm của mình trong việc đẩy lùi Covid-19.
Ở cấp độ khu vực, các quốc gia thành viên cũng đã thông qua Khung hành động an ninh y tế Châu Á Thái Bình Dương mới để định hướng hành động tập thể trên toàn khu vực.
Ở cấp độ quốc gia, Văn phòng WHO tại Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác liên quan để hỗ trợ Việt Nam, bao gồm việc rà soát và cập nhật kế hoạch ứng phó với đại dịch để Chính phủ phê duyệt trên cơ sở diễn đàn quốc gia về đại dịch. "Đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta củng cố hệ thống y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu trong tương lai. WHO sẽ luôn đồng hành với Việt Nam hiện tại và tương lai trên tinh thần hợp tác vì một Việt Nam an toàn và khỏe mạnh hơn", TS.Angela Pratt bày tỏ.