Số F0 trong cộng đồng ngày càng tăng khiến nhiều người lo lắng bị lây nhiễm sau khi tiếp xúc ca bệnh. Từ tâm lý này, nhiều người test nhanh ngay khi tiếp xúc F0 hoặc test liên tiếp nhiều ngày. Điều này là không cần thiết, dễ gây lãng phí và có thể xảy ra tình trạng âm tính giả nếu thời điểm test nhanh không thích hợp.
Theo thông tin trên Zing, trong quá trình nhiễm nCoV, tải lượng virus sẽ tăng lên và giảm đi. Tải lượng virus là số lượng nCoV mà bác sĩ có thể tìm thấy trong cơ thể bạn. Họ có thể sử dụng máu hoặc các chất dịch cơ thể khác nhau để kiểm tra tải lượng của một virus cụ thể. Bản thân những người mắc Covid-19 cũng có tải lượng virus khác nhau.
Các nghiên cứu đã cho thấy tải lượng virus của F0 cao nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Đây là lúc các xét nghiệm Covid-19 có thể phát hiện chính xác nhất.
Không giống xét nghiệm rRT-PCR, các xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện protein của virus. Nó cho kết quả dương tính khi người bệnh đang ở giai đoạn có khả năng lây nhiễm. Ngưỡng phát hiện virus là từ ngày thứ 4 đến 10.
Nếu vừa tiếp xúc nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm virus, song, tải lượng còn thấp. Lúc này, test nhanh chưa phát hiện được virus, kết quả trả về dễ là âm tính giả. Do đó, nếu không có triệu chứng mắc Covid-19, bạn có thể test nhanh vào ngày thứ 5 hoặc thứ 7 sau khi tiếp xúc F0. Nếu gia đình có người mang thai, mắc bệnh lý nền, bạn cần tuân thủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau đó, đợi đến ngày thứ 4 mới nên test nhanh. Nếu kết quả âm tính, bạn nên test lại vào ngày thứ 7.
ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc test nhanh liên tục là không cần thiết. Người dân chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, đau ngực.
Bác sĩ Thái cũng khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được virus mà còn gây lãng phí và tốn kém. Việc này còn tạo cảm giác an toàn giả, dễ buông lỏng các biện pháp phòng bệnh.
Bên cạnh đó, khi đã trở thành F0, nhiều người có tâm lý lo lắng nên cũng liên tục test nhanh để xem virus đã đào thải hết chưa. Chia sẻ với VietNamNet, chị Nguyễn Thị Minh Tú (26 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết bị mắc Covid-19 được hơn 10 ngày và đã tiêu tốn trên 1 triệu đồng chỉ cho riêng việc mua test nhanh.
Tú kể, 2 ngày đầu từ khi xuất hiện các triệu chứng đau họng, ho, sốt rét, cô đã sử dụng hết 3 bộ kit test được cơ quan cấp phát, đến lần test thứ 3 thì phát hiện dương tính. Tới ngày thứ 7 kể từ khi xác định dương tính, Tú nhờ người thân trong nhà đi mua thêm test. Hiệu thuốc thông báo có 2 loại, giá 95.000 đồng và 110.000 đồng. Tú nhờ mua 5 bộ rẻ nhất, tổng giá là 475.000 đồng. Tới ngày thứ 10, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính nhưng test đã hết, Tú lại nhờ người thân mua thêm test. Lần này, hiệu thuốc chỉ còn loại kit test giá 110.000 đồng, mua 5 bộ hết 550.000.
Như vậy, Tú đã mua tổng số 10 bộ test, chi phí hơn 1 triệu đồng. “Cộng cả tiền thuốc men, đồ ăn uống, máy đo SpO2, dung dịch khử khuẩn,… những ngày vừa qua, tôi đã phải chi số tiền khá lớn”, Tú tâm sự.
Theo bác sĩ, đây cũng là việc làm không cần thiết. Test nhanh nhiều và không đúng cách có thể gây ảnh hưởng niêm mạc mũi, chảy máu cam, tốn kém, lãng phí.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng; thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cho rằng nếu biết cách tiết kiệm, mỗi F0 chỉ cần tốn 2-3 que test nhanh trong suốt quá trình cách ly, điều trị.
Bác sĩ đưa ra hướng dẫn cụ thể về thời điểm cần test Covid-19 như sau:
Khi có các dấu hiệu như cảm cúm giai đoạn này, nhiều khả năng bạn đã nhiễm SARS-CoV-2. Bạn cần lập tức tự cách ly ngay nhưng chưa nên test vội, vì test có thể chưa lên 2 vạch. Ta gọi ngày xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, đau họng,… này là ngày D.
Một ngày sau khi có các dấu hiệu cảm cúm (D+1), nếu test 2 vạch, bạn đã nhiễm SARS-CoV2. Nếu test 1 vạch, bạn chưa vội mừng.
Ngày hôm sau (D+2), nên test thêm lần nữa. Nếu ngày (D+2) test âm tính, bạn đợi thêm 2 ngày (D+4) rồi tiếp tục test. Nếu vẫn âm tính thì có thể tạm yên tâm.
Nếu dương tính ngày (D+1), bạn ước tính đến ngày P5 như hình dưới đây (ngày thứ 5 kể từ khi có kết quả dương tính) của mình. Đến ngày P5, chưa cần test vội. Ngày (P5+1), bạn test. Nếu âm tính, bạn sắp khỏi bệnh. Nếu vẫn còn vạch T mờ, hãy bình tĩnh, 2-3 ngày sau test lại lần nữa. Sau khi test lại mà vẫn còn vạch T mờ, bạn cũng không cần lo lắng vì đến ngày này, nguy cơ lây cho người khác rất thấp.
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cho biết, nếu tiêm đủ vắc-xin Covid-19, không phải nhập viện thì sau 10 ngày (14 ngày nếu chưa tiêm đủ vắc xin), bất kể còn vạch mờ hay không, F0 cũng không cần phải cách ly nữa. “Như vậy, mỗi F0 chỉ cần sử dụng 2-3 que test nhanh. PCR cũng không quá cần thiết nữa”, bác sĩ Hoàng nói.
Về vấn đề test nhanh mẫu gộp tại nhà để tiết kiệm, bác sĩ Hoàng cho biết “không khuyến khích”, lý do là vẫn cần thêm que lấy bệnh phẩm và dung dịch đệm thường bị thiếu nếu test gộp. Ngoài ra, nếu test gộp dương, mỗi người lại tốn thêm 2-3 que test nữa, vừa mất công, vừa tốn que test. Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo khi test nhanh tại nhà, người dân chỉ nên test mẫu đơn.
Minh Hoa (t/h)