Chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index), tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao, từ lâu đã được sử dụng để đánh giá độ gầy hay béo của một người. Từ đó, nó cũng được các bác sĩ tham khảo để dự đoán sức khỏe và những nguy cơ y tế như béo phì, tiểu đường.... cho bệnh nhân.
Nhưng qua gần 2 thế kỷ, nhiều nhà khoa học đã nhận ra BMI rõ ràng chưa phải là một công cụ hoàn hảo. Nó bỏ sót một số đối tượng cần được cảnh báo nguy cơ sức khỏe, đồng thời gộp lẫn cả những người khỏe mạnh vào nhóm “thừa cân”.
Giải quyết vấn đề này, mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại tổ chức Mayo Clinic đã đưa ra một chỉ số cơ thể khác, BVI (Body Volume Indicator), được cho là sẽ thay thế tốt hơn cho BMI trong việc đánh giá sức khỏe.
BVI về cơ bản là một tỷ lệ so sánh giữa khối lượng cơ thể và khối lượng bụng. Cũng như chỉ số BMI trước đây, bạn có thể tính BVI một cách thủ công hoặc bằng các ứng dụng di động.
Ví dụ trong video giới thiệu dưới đây, nhân viên y tế đã sử dụng một chiếc iPad để chụp ảnh trực diện và nhìn từ bên hông của người cần kiểm tra. Sau đó, ứng dụng di động này có thể tính toán và lập một lát cắt 3D để phân tích cơ thể.
Cộng thêm các thông tin nhập sẵn, chiều cao, cân nặng, tuổi tác, giới tính và mức độ tập thể dục, ứng dụng sẽ cho ra thông số về khối lượng mỡ cơ thể, mỡ nội tạng, trọng lượng bụng, tỷ lệ eo-hông, chỉ số BMI và dĩ nhiên là BVI. Tất cả sẽ cho bạn một bức tranh toàn diện hơn về sức khỏe và thể lực.
Mặc dù nghe có vẻ kỳ quặc, tại sao chúng ta phải để ý đến cả bụng và vòng eo? Nhưng bác sĩ Jose Medina Inojosa đến từ Mayo Clinic cho biết, thực sự, đó là nơi có thể cung cấp thêm nhiều cái nhìn sâu sắc về sức khỏe.
Trước đây, nhiều nghiên cứu cũng đã từng ghi nhận mối liên quan giữa lượng chất béo vùng bụng và nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.
Một trong số các nghiên cứu rất lớn được thực hiện vào năm 2012. Trong đó, các nhà khoa học xem xét dữ liệu trên 340.000 người châu Âu và phát hiện ra rằng dữ liệu vòng bụng cực kỳ đáng tin cậy trong việc xác định nguy cơ tiểu đường.
Cụ thể, nếu một người đàn ông có vòng thắt lưng lớn hơn 101,6 cm và phụ nữ lớn hơn 87,63 cm, họ có cùng nguy cơ phát triển tiểu đường như một người mắc béo phì lâm sàng.
Nghiên cứu đã chỉ ra một lỗ hổng trong hệ thống chỉ số BMI. Đó là việc nó không tính đến lượng chất béo mà một người bình thường có trong bụng.
Chỉ số BMI lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1832, nó chỉ đưa vào phép đo chiều cao và cân nặng tổng thể. Điều đó cũng khiến một số người thuộc tạng người rắn chắc, nhiều cơ bắp cũng bị liệt vào dạng “thừa cân”, với những nguy cơ sức khỏe họ không thề có.
Bây giờ, chỉ số BVI sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề này, bác sĩ Medina Inojosa nói.
Thực chất các nhà khoa học vẫn còn bối rối trong việc giải thích cụ thể tại sao mỡ thừa vùng bụng lại liên quan đến những hệ quả tiêu cực về sức khỏe. Tuy nhiên, có khả năng cao điều này xuất phát từ chất béo trong cơ thể chúng ta, thứ mà họ gọi là mỡ nội tạng.
Mỡ nội tạng có thể nằm ẩn sâu bên trong cơ thể, kể cả những người gầy. Chúng bao vây lấy tim, phổi, gan và các cơ quan khác, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, không chỉ tiểu đường type 2, mà còn bệnh tim, huyết áp cao, mất trí và thậm chí là ung thư.
Đã từ lâu, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng đã biết chỉ số BMI không phải là công cụ hoàn hảo để đánh giá sức khỏe tổng quát của con người. Nếu muốn có một công cụ tốt hơn, họ phải quan tâm đến cả chu vi vòng bụng.
“Đối với đánh giá sức khỏe, vấn đề không chỉ là bạn việc bạn có cân nặng bao nhiêu, mà là lượng chất béo trong bụng bạn”, Trường Y Harvard cho biết trên trang của mình năm 2005.
Bây giờ, có lẽ với sự ra đời của BVI, chúng ta sẽ lấp đầy được những lỗ hổng mà thước đo BMI để lại trong nhiều thập kỷ. Đồng thời, BVI cũng sẽ cung cấp cho chúng ta một công cụ chẩn đoán y tế đầy tiềm năng trong tương lai, bác sĩ Medina Inojosa cho biết.
Theo Trí thức trẻ