Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội, nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì khi nghỉ hưu, người lao động phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu.
Với những công việc đặc thù khác thì điều kiện về số năm đóng BHXH vẫn không thay đổi (20 năm), tuy nhiên có sự ưu tiên về tuổi nghỉ hưu của người lao động, như:
- Nam đủ 55 - 60 tuổi, nữ đủ 50 - 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
- Nam/nữ đủ 50 - 55 tuổi và 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
- Không giới hạn độ tuổi với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ, người lao động suy giảm khả năng lao động được hưởng lương hưu trước tuổi tiêu chuẩn khi có đủ 20 năm đóng BHXH. Cụ thể:
- Nghỉ hưu từ ngày 1/1/2020 trở đi: nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Với quy định này có thể thấy, sự thay đổi của chính sách bảo hiểm chỉ tác động đến người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên làm việc trong điều kiện bình thường, mà không ảnh hưởng tới những lao động khác.
Và như vậy, nếu nghỉ hưu từ năm 2020, người lao động phải có 20 năm đóng BHXH trở lên, đồng thời đủ 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.
Tuy nhiên, cách tính lương hưu lại không có sự khác biệt so với trước đây, vẫn thấp hơn lương hưu khi nghỉ đúng tuổi.
Khoản 2, điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định: Với người lao động nghỉ hưu khi đủ tuổi vào năm 2020 thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 18 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ.
Sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2%.
Lưu ý, khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 đến 11 tháng được tính là 1 năm. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, nếu người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn, cứ mỗi năm được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Để hiểu rõ hơn cách tính có thể xem ví dụ dưới đây:
Bà A bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 5/2020 khi đủ 50 tuổi 1 tháng, có 32 năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
- 15 năm đầu được tính bằng 45%.
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, tính thêm: 17 x 2% = 34%.
- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 34% = 79%.
- Bà A nghỉ hưu khi 50 tuổi 1 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là (4 x 2%) + 1% = 9%. Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà K sẽ là 79% - 9% = 70%.
Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng 75% (cao hơn 30 năm) nên còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 2 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Hoàng Mai