Cách tính tiền trợ cấp giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Cách tính tiền trợ cấp giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 6, 14/02/2020 06:30

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2020/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Chính sách - Cách tính tiền trợ cấp giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên, sẽ hưởng trợ cấp một lần bằng tiền. (Ảnh minh họa)

Nghị định gồm 3 chương, 11 điều và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2020.

Ai sẽ được hưởng thêm trợ cấp?

Theo Điều 2 Nghị định 14/2020/NĐ-CP, đối tượng áp dụng, gồm: Nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập như cơ sở giáo dục mầm non; Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên. Các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011 tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục.

Nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay.

Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong. Nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp

Nhà giáo thuộc đối tượng theo Nghị định được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên.

Thứ 2, nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.

Thứ 3, đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, đối tượng quy định tại Nghị định này đã được giải quyết chế độ theo quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg thì không được hưởng, không được điều chỉnh mức trợ cấp đã hưởng theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg mà hồ sơ đã được cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận nhưng chưa ban hành Quyết định chi trả trợ cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì mức trợ cấp được hưởng theo quy định tại Nghị định này.

Mức trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên

Mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính như sau: Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp.

Trong đó: Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành;

Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.

Tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.

Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định này, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1/1/2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.

Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người được hưởng trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.