Trong 2 tuần đầu năm, bệnh viện Nhi Trung ương có tới hơn 300 bệnh nhi chẩn đoán mắc cúm. Đôi khi, cha mẹ vẫn bị nhầm lẫn giữa các triệu chứng của bệnh cảm cúm và nghĩ con mình chỉ bị lạnh thông thường nên vô tình khiến tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu bệnh cảm cúm ở trẻ em
Theo như thông tin từ bệnh viện Nhi Trung Ương, trẻ em sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus cúm sẽ có các triệu chứng cơ bản như sau: Sốt, ho, ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, đau tai, đau họng, chảy nước mũi, đau nhức cơ bắp, có thể bị tiêu chảy, ăn không ngon miệng, người yếu ớt như không còn sức.
Nhiều mẹ thường nhầm lẫn giữa cảm lạnh và cảm cúm. Dấu hiệu của cảm lạnh ở trẻ là đau họng và khỏi sau 2-3 ngày kèm theo những triệu chứng mới như ho, tắc mũi, chảy dịch nhầy mũi. Trẻ nhiễm lạnh có thể chữa bằng thuốc viêm họng, thông mũi hoặc những biện pháp Đông y như cạo gió, xông bằng lá bưởi, hương nhu, kinh giới, xả, ngải cứu. Bệnh khỏi sau 1 tuần và không gây biến chứng vào phổi.
Trẻ mắc cảm cúm thường đột ngột sốt cao 38,7 tới 40 độ C kèm theo triệu chứng rét run, buồn nôn, đau nhức, ho. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm phổi, viêm phế quản đe dọa tới tính mạng. Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (giảm sổ mũi, giảm đau, nhức đầu). Cha mẹ tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc diệt virus khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng tránh
- Tiêm phòng cúm
Theo các chuyên gia, tiêm phòng cúm là cách tốt nhất giúp bé phòng tránh cảm cúm. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng, chính những mũi tiêm đó khiến bé mắc bệnh. Sau khi tiêm xong, một số bé bị cúm nhẹ, sốt nhưng những triệu chứng này không kéo dài quá 2 ngày sau khi bé được tiêm vắc-xin. Nếu xảy ra trường hợp trẻ bị cảm cúm ngay sau khi tiêm phòng thì nhiều khả năng trẻ bị virus tấn công trước khi vắc-xin có đủ thời gian sinh ra chất kháng để chống lại virus.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Ngay cả khi trẻ đã được tiêm phòng đây đủ, trẻ vẫn cần được chú ý vệ sinh sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà bông trước khi ăn bữa chính và ăn vặt, chơi đùa. Chú ý cách rửa tay cho trẻ để đảm bảo đủ sạch vi khuẩn gây bệnh.
- Vệ sinh nơi ở
Khử trùng cho ngôi nhà hiện đại, các đồ chơi mà bé đang tiếp xúc. Thường xuyên vệ sinh, sắp xếp lại bếp ăn, các vật dụng trong nhà, lau bàn ghế, các bề mặt thường xuyên được động tới.
Với ống nghe điện thoại, trẻ thường được tiếp xúc nhiều hơn, nên cũng cần vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, cánh tủ lạnh, tay cầm lò vi sóng, các vật dụng khác trong nhà cũng cần được khử trùng.
- Bổ sung vitamin C
Để trẻ có sức đề kháng cao, tránh được bệnh cúm, các mẹ hãy thường xuyên bổ sung vitamin C cho trẻ. Vitamin C có nhiều trong rau bắp cải, rau bina, hoặc nước cam buổi sáng ….
- Kiểm tra nhiệt độ
Để theo dõi liên tục nhiệt độ cơ thể cho con mình. Có thể chọn loại nhiệt kế kẹp vào người hoặc chạy bằng pin để dưới lưỡi sao cho phù hợp với trẻ.
Cuối cùng, khi thấy trẻ đột nhiên bị sốt, nghẹt mũi, ho, mệt mỏi, ớn lạnh, đau tai, chán ăn, đau họng, sưng hạch… các mẹ nên cảnh giác với dấu hiệu của bệnh cúm. Hãy đưa con mình tới gặp bác sĩ sớm để tránh những nguy hiểm đến với trẻ.
Thảo Nguyên (tổng hợp)