Sau đây là 5 thói hư, tật xấu phổ biến của trẻ và những cách cha mẹ cần áp dụng để giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ.
1. Khi trẻ nói dối
Nói dối là điều thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ. Nếu bố mẹ không dạy con kịp thời có thể khiến trẻ trở thành người chuyên nói dối.
Những lý do thông thường khiến trẻ nói dối là để trẻ không bị phạt hoặc không muốn làm bố mẹ thất vọng. Cũng có thể trẻ nói dối là do bắt chước người khác hay chỉ vì đã bị gọi là kẻ nói dối nên muốn tiếp tục như vậy.
Giải pháp: Cha mẹ cần phải tìm ra nguyên nhân vì sao con nói dối để có các cách thức, giải pháp uốn nắn trẻ kịp thời. Để con không nói dối, phụ huynh cần phải khuyến khích sự trung thực của trẻ. Cha mẹ phải dạy, làm gương để con noi theo và thảo luận cùng bé về tầm quan trọng của sự trung thực.
2. Khi trẻ ăn vạ, mè nheo
Đối với nhiều cha mẹ có con nhỏ, việc con ăn vạ đã trở thành điều quen thuộc. Đa số các bé sẽ ăn vạ nhiều hơn khi nhà có khách hoặc ở nơi đông người để có được thứ gì mà mình muốn.
Giải pháp: Trẻ nhỏ thường cố gắng gây chú ý khi cha mẹ không quan tâm đến chúng nên phụ huynh cần phải dành thời gian quan tâm tới con. Trong những trường hợp con ăn vạ, cha mẹ không đáp ứng yêu cầu của bé nhưng cũng không nên hét hay đe dọa vì cách này sẽ không mang lại hiệu quả.
Các chuyên gia giáo dục cho biết, người lớn phải để cho trẻ hiểu được rằng, không phải bất cứ nhu cầu gì của các bé cũng được đáp ứng. Nếu phụ huynh không nghiêm khắc, các bé sẽ tái diễn chiêu ăn vạ, mè nheo vào những lần sau.
3. Khi trẻ bướng bỉnh, “thách thức” cha mẹ
Không ít cha mẹ đau đầu vì thấy con bướng bỉnh, thích khẳng định mình đúng, thậm chí thích “thách thức” người khác. Phụ huynh cần phải dạy con ngay từ nhỏ vì để trẻ lớn hơn sẽ càng khó uốn nắn.
Giải pháp: Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu suy nghĩ, cảm giác của con để tìm ra lý do khiến con bướng bỉnh, khó dạy. Bố mẹ cần nói cho con hiểu cảm xúc của người khác, cho trẻ biết mình có thể làm gì và không nên làm gì. Bình tĩnh, điều chỉnh âm lượng giọng nói vừa phải và thẳng thắn trong khi dạy con sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp.
4. Khi trẻ tham lam
Không ít cha mẹ nghĩ rằng, mọi đứa trẻ đều có tính tham lam và con mình như vậy là điều bình thường song về lâu dài điều đó rất nguy hại. Thói xấu này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của bé trong tương lai.
Giải pháp: Bố mẹ cần cho con biết cách đặt mình vào vị trí của người khác, phân tích cảm xúc của chính mình và bạn bè, từ đó giúp con biết chia sẻ với mọi người và trân trọng những thứ mình đang có.
Phụ huynh không được chiều theo sự đòi hỏi quá đáng của trẻ vì nếu đòi được một lần, lần tiếp theo bé sẽ lại đòi.
Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước thói quen của người lớn rất nhanh nên bố mẹ cố gắng là tấm gương tốt, tránh bộc lộ thói xấu trước mặt con cái.
Mộc Trà