Lái xe ngày nào cũng quan sát những tín hiệu đèn ở bảng táp-lô nhưng không phải ai cũng hiểu hết chắc năng của nó. Để không rơi vào những tình huống “dở khóc, dở cười” dẫn đến xe ô tô của bạn gặp bất ổn, hãy nắm rõ cách phát hiện và kiểm tra đèn Check Engine.
Nguyên nhân dẫn đến đèn Check Engine sáng là do hệ thống điều khiển như giắc cắm điện, nắp bình xăng lỏng, hệ thống đánh lửa, vòng tua máy không đủ…
Đèn Check Engine sáng liên tục
Thông thường khi bật khóa xe thì tất cả các đèn sẽ sáng và tắt hết đi khi xe nổ máy. Nếu khi bạn nổ máy mà vẫn thấy đèn Check Engine sáng thì chứng tỏ động cơ đang gặp vấn đề cần được kiểm tra. Những lỗi nhẹ đèn Check Engine vẫn sáng và động cơ vẫn hoạt động bình thường, nhưng đừng chủ quan mà để lỗi trở nên xấu đi dẫn đến động cơ hỏng nặng.
Bạn có thể tự kiểm tra những lỗi nhẹ này mà không cần phải đến gara với những chi tiết có thể gặp vấn đề:
- Chỉnh lại nắp bình xăng
- Kiểm tra cuộn dây lửa
- Bugi, dây dẫn điện và đầu nối bugi
- Ắc quy và bộ sạc của xe
- Kim phun nhiên liệu
Nếu không phải những lỗi trên thì xe bạn đang thực sự gặp vấn đề. Khi thấy đèn Check Engine sáng mà bạn chỉ đi được với tốc độ dưới 40 km/h là động cơ bạn gặp trục trặc nghiêm trọng. Lúc này, hệ thống an toàn của xe sẽ điều chỉnh chế độ hoạt động mặc định. Bạn nên mang xe đi kiểm tra với thợ chuyên nghiệp để biết chính xác nhất.
Đèn nháy đều khi di chuyển
Nếu xe bạn rơi vào tình trạng trên thì thật nguy hiểm khi đèn nháy liên tục lúc di chuyển là cảnh báo lỗi của hệ thống kiểm soát khí xả khiến bộ xúc tác có thể quá nóng. Nếu tình trạng này diễn ra quá lâu xe có thể bắt lửa và gây hỏa hoạn.
Lúc này, bạn nên dừng xe lại và đưa xe về gara để kiểm tra tránh nguy hiểm.
Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn tránh phải nguy cơ mất an toàn khi di chuyển trên đường và không nguy hại đến chiếc "xế cưng" của bạn.
Xuân Khải tổng hợp