Từ cựu thù đến đối tác
Trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới” xuất bản năm 2019, Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp) nhận định: Mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến đấu và đàm phán khiến Điện Biên Phủ trở thành một “cuộc chiến vì hòa bình". Bởi vì đối với cả hai bên, trận chiến này nhằm mục đích hướng tới một cuộc đàm phán toàn thể và lệnh ngừng bắn. Do đó, kết quả và quy mô của trận chiến lớn này đã thúc đẩy giải pháp cuối cùng ở Geneva.
Nhưng câu chuyện hòa bình của Điện Biên Phủ không chỉ có vây. Lịch sử đã thật khéo sắp đặt khi chính Điện Biên Phủ từ chiến trường trở thành một cây cầu giúp Việt Nam và các nước phương Tây xích lại gần nhau, từng bước bình thường hóa quan hệ. Và, mở đầu tiến trình ấy, lại là nước Pháp.
Không lâu sau khi người Pháp buộc phải rời khỏi Việt Nam trong một thất bại nặng nề, họ đã quay trở lại nhưng với một tư cách rất khác: Đến Việt Nam để hàn gắn. Ngày 20/12/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chấp nhận cho Chính phủ Pháp lập cơ quan tổng đại diện tại Hà Nội. Tháng 3/1956, Pháp đồng ý cho lập cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Pari và tháng 8/1966, quan hệ hai nước được xây dựng trên cơ sở bình đẳng ở cấp tổng đại diện ở thủ đô mỗi nước.
Sau năm 1954, về cơ bản, Pháp thực hiện chính sách nhất quán là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, coi đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại ở khu vực Đông Nam Á. Với chính sách đó, Pháp mong muốn phát triển ảnh hưởng của mình ở bán đảo Đông Dương trước đây là thuộc địa của Pháp và hy vọng Việt Nam không chỉ là điểm ưu tiên trong quan hệ mà còn đóng vai trò cầu nối về sự hợp tác giữa Pháp và các nước trong khu vực này.
Trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Chính phủ Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách can thiệp của giới cầm quyền Mỹ chống Việt Nam. Ngày 29/8/1963, thay mặt nước Pháp, Tổng thống De Gaulle ra tuyên bố về lập trường của mình là: Pháp mong muốn được thấy một Việt Nam độc lập bên ngoài, hòa bình và thống nhất bên trong, hòa hợp với các nước láng giềng.
Trong một tuyên bố ngày 1/9/1966 tại Campuchia về chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Pháp De Gaulle đã cho rằng: Chính sự can thiệp của Mỹ là nguồn gốc gây ra chiến tranh và đòi Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam.
Với thiện chí của mình, năm 1968 chính phủ Pháp đã đồng ý cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại thủ đô Pari và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pari trong những năm 1968 - 1973.
Không phải ngẫu nhiên mà các hội nghị về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam lại được thảo luận và sau đó đi đến ký kết tại Paris vào năm 1973. Sự ủng hộ ở một mức độ nhất định của Pháp có vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy hòa bình ở Việt Nam đó.
Và sự hàn gắn trong quan hệ Việt – Pháp chính thức có kết quả khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, khi chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ chưa kết thúc. Ngoài tư cách là cựu thù, ở thời điểm đó Pháp còn là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nói về sự hàn gắn của quan hệ Việt – Pháp, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá đây có thể coi là một hình mẫu trong lịch sử quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Nếu tính từ thời điểm sự kiện Điện Biên thì chỉ chưa đầy 20 năm sau đó, hai nước Việt – Pháp đã chính thức bắt tay lại với nhau. Sự hàn gắn nhanh chóng đó đến từ nỗ lực của cả 2 hai nước, vượt qua những thăng trầm của lịch sử và thử thách của thời đại nhưng cũng cho thấy giữa hai nước đã có những kết nối về văn hóa trong suốt 80 năm người Pháp hiện diện trước đó ở Việt Nam.
“Thất bại ở Điện Biên Phủ có thể coi là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Pháp nhưng dường như qua sự kiện này người Pháp đã hiểu rõ Việt Nam hơn. Cùng với những bước tiến của Việt Nam và quan hệ Việt - Pháp, sự hiểu biết đó ngày càng trở nên sâu sắc. Đó là cơ sở để xây dựng quan hệ hợp tác cho hai nước.
Hai nước nước Việt - Pháp đã từng có những chương thương đau trong quá khứ. Nhưng, quá khứ dạy cho người ta những bài học. Bài học không chỉ đến từ những thành công. Chính những thất bại mới dạy cho người ta những bài học sâu sắc nhất”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nói.
“Chúng ta đã sống xa nhau và bây giờ chúng ta gặp lại nhau”
Năm 1993, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Ông đến Hà Nội và tuyên bố: “Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”. Trong chuyến thăm, ông Francois Mitterrand đã có nhiều hoạt động quan trọng và ý nghĩa, đặc biệt là thăm di tích Điện Biên Phủ bất chấp những lời phản đối trong nội bộ nước Pháp.
Sau 39 năm, lần đầu tiên mới có 1 chiếc máy bay mang cờ ba sọc của nước Pháp hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh và chở theo vị Tổng thống của một đất nước có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Ông Francois Mitterrand là vị Tổng thống đầu tiên của nước Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Chuyến đi lịch sử của Tổng thống Francois Mitterrand cũng là để “hòa giải hoàn toàn giữa dân tộc Pháp và Việt Nam”. Tổng thống F. Mitterrand khi trả lời câu hỏi của báo chí về tinh thần đến thăm Điện Biên Phủ, cái tên gợi trang bi thảm của lịch sử Pháp như sau: “Tôi có thể đến Điện Biên Phủ để suy nghĩ lại, để cảm nhận lại tất cả những gì mà một người Pháp có thể cảm thấy trước sự hy sinh của binh lính để tất nhiên không quên những người khác”. Trong bài phát biểu tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ông nói: “Chúng ta đã sống xa nhau và bây giờ chúng ta lại gặp lại nhau”.
Từ chuyến thăm lịch sử đó, quan hệ Việt – Pháp đã bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Cùng với thời gian và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Việt - Pháp đã nở rộ trên nhiều lĩnh vực và phát triển theo chiều sâu. Hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp vào tháng 9/2013, đúng dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Hôm nay chúng ta có thể cùng nhau vui mừng nói rằng con tàu quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và hợp tác thành công, với việc lãnh đạo hai nước cùng tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Paris ngày 24/9/2013, cho rằng quan hệ "đặc biệt", đa lĩnh vực và nhiều cấp độ giữa hai nước đã chín muồi.
Đến thăm Điện Biên Phủ vào tháng 11/2018, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, thăm đồi A1, Đồi Độc Lập, Him Lam và hầm Chỉ huy của tướng De Castries. Thủ tướng Pháp nói: “Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì đã hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta đang mạnh mẽ hướng tới một tương lai chung. Quan hệ Pháp - Việt mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử hai nước chúng ta".
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2022, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đã dẫn lại câu nói của Tổng thống J. Chirac trong chuyến thăm Việt Nam (năm 2004): “Tiếng nói của Việt Nam chạm đến trái tim của người Pháp”, đồng thời nhấn mạnh: “Và hôm nay tôi tin rằng tiếng nói của người Pháp cũng chạm đến trái tim của người Việt Nam”. Ông Gérard Larcher bày tỏ mong muốn: “Chúng ta chỉ giữ lại những gì tốt đẹp nhất và những gì cho phép chúng ta cùng tiến lên, cùng nhau xây dựng - đây là kỳ tích chung của Việt Nam và Pháp”.
Những mong muốn của các nhà lãnh đạo hai nước đã trở thành hiện thực. Nhìn lại mối quan hệ Việt - Pháp từ lịch sử đến hiện tại, đặc biệt trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ, trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
70 năm đi qua kể từ “tiếng sấm” Điện Biên Phủ, thế giới nói chung, Việt Nam và Pháp nói riêng đã vĩnh viễn “gác lại quá khứ” để đến hôm nay, Điện Biên Phủ từ “điểm hẹn trong chiến tranh” trở thành “điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.