Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) là tuyến hàng hải kết nối phần phía Đông và phía Tây của Bắc Băng Dương. Với phần lớn NSR tiếp giáp với vùng lãnh thổ phía Bắc của Nga, gã khổng lồ Á-Âu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tuyến hàng hải này.
Moscow đã phê duyệt kế hoạch phát triển NSR trị giá 29 tỷ USD vào tháng 8/2022, có hiệu lực đến năm 2035. Được coi là huyết mạch chính của vùng Bắc Cực thuộc Nga, kế hoạch này được cho là sẽ mang lại 3 lợi ích địa chiến lược và địa kinh tế cho Nga, Quỹ nghiên cứu quan sát viên (Observer Research Foundation - ORF) cho biết.
Theo tổ chức nghiên cứu này, thứ nhất, đây sẽ là siêu xa lộ năng lượng quốc tế để xuất khẩu hydrocarbon và buôn bán các tài nguyên thiên nhiên khác của vùng Bắc Cực thuộc Nga.
Thứ hai, tuyến hàng hải này sẽ tạo chuỗi cung ứng mạnh mẽ đến vùng Bắc Cực của Liên bang Nga (AZRF) để đảm bảo không gặp trở ngại trong việc cung cấp hàng hóa cho các cảng và các “điểm tăng trưởng kinh tế” mới. Thứ ba, nó sẽ đưa nước Nga vào vị trí trung tâm trong quá cảnh thương mại quốc tế.
Tuyến đường biển huyết mạch
Tuyến đường biển, chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga kéo dài từ biển Kara đến eo biển Bering ở Viễn Đông, dự kiến sẽ giúp giảm thời gian đi lại giữa châu Âu và châu Á từ 1 tháng xuống (qua tuyến kênh đào Suez) còn chưa đầy 2 tuần.
Trong trường hợp của Trung Quốc, để giảm phụ thuộc vào tuyến kênh đào Suez cho việc nhập khẩu các nguồn năng lượng quan trọng và các khoáng sản quý hiếm, cường quốc kinh tế số 2 thế giới cũng đã nổi lên như một bên tham gia tích cực trong sự phát triển của NSR. Hiện tại Nga đang bắt tay với Trung Quốc trong việc phát triển tuyến đường biển huyết mạch này.
Trong khi báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm cấp nhà nước tới thành phố Cáp Nhĩ Tân (Harbin) của Trung Quốc hôm 17/5, Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc doanh Nga Rosatom Alexey Likhachev cho biết hai bên đã thành lập một tiểu ban Nga-Trung Quốc về Tuyến đường biển phía Bắc (NSR).
“Một quyết định đã được đưa ra để thành lập một ủy ban chung nhằm phát triển Tuyến đường biển phía Bắc. Rosatom sẽ đại diện cho phía Nga. Về phía Trung Quốc, sẽ do Bộ trưởng Giao thông Vận tải đứng đầu. Nhiệm vụ của chúng tôi là trong thời gian ngắn nhất có thể phải tạo ra một chương trình chung nhằm mở rộng hoạt động quá cảnh của Trung Quốc dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc”, ông Likhachev giải thích thêm.
Người đứng đầu Rosatom cho biết thêm rằng khối lượng vận tải của Trung Quốc qua tuyến đường này có tiềm năng tăng lên 50 triệu tấn vào năm 2030. Về vấn đề này, Nga coi việc phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc để đóng các tàu có khả năng đi xuyên qua các lớp băng dày ở Bắc Cực cũng như phát triển các cảng và trung tâm hậu cần là rất quan trọng.
Theo Artic Review, do tính chất khắc nghiệt của khí hậu Bắc Cực – đặc trưng bởi mùa đông dài và khắc nghiệt cũng như thời gian kéo dài với lớp băng dày phủ trên mặt nước – việc tân trang và mở rộng đội tàu phá băng có vai trò quyết định đối với sự thành công của Tuyến đường biển phía Bắc.
Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân phá băng với tốc độ lên tới 10 hải lý/giờ (19 km/h, di chuyển với tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ (39 km/h) trong vùng nước không có băng. Trong những tháng mùa đông, băng dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc có thể dày tới 2 m. Các khối băng Taymyr và Iona có điều kiện di chuyển khó khăn nhất, làm giảm đáng kể thời gian di chuyển theo hướng Đông.
Củng cố ảnh hưởng
Năm 2022, Tổng thống Nga Putin bổ nhiệm Tập đoàn Rosatom giám sát sự phát triển của NSR cũng như quản lý đội tàu phá băng, chịu trách nhiệm điều hướng dọc tuyến đường. Tuyến hàng hải dài 3.500 dặm (5.600 km) này là một phần trong các dự án ưu tiên kinh tế của Điện Kremlin và là một dự án được thiết kế để củng cố ảnh hưởng của Nga ở Bắc Cực.
Rosatom đã báo cáo một số tiến triển trong các chuyến hàng được vận chuyển dọc theo NSR. Năm ngoái, tuyến đường này đã lập kỷ lục vận chuyển hàng hóa mới với 35 triệu tấn, vượt qua kỷ lục trước đó là 34,1 triệu tấn đạt được vào năm 2021.
Tại diễn đàn kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 17-18/10 năm ngoái, Tổng thống Nga đã mời các nước quan tâm cùng tham gia hợp tác phát triển Tuyến đường biển phía Bắc.
Trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của nhau, nhu cầu mạnh mẽ về dầu thô của Nga tại Trung Quốc đã thúc đẩy gia tăng khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua NSR. Vào năm 2023, Trung Quốc đã vận chuyển khoảng 1,5 triệu tấn dầu thô từ Biển Baltic về đại lục thông qua tuyến đường qua Bắc Cực.
Ngoài CEO Rosatome, có mặt tại Trung Quốc vào tuần trước còn có ông Aleksandr Tsybulsky, Thống đốc vùng Arkhangelsk của Nga. Ông Tsybulsky cũng đã thăm thành phố cảng Đại Liên (Dalian).
Vị quan chức Nga đã kêu gọi các chủ tàu tại cảng Đại Liên sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), ngay cả khi khu vực của ông đang tìm cách phát triển cảng Arkhangelsk, nơi được coi là trung tâm quan trọng cho hoạt động vận chuyển qua vùng Bắc Cực của Nga.
Arkhangelsk là một chủ thể liên bang của Nga, nằm trên đôi bờ của sông Bắc Dvina gần lối ra Biển Trắng ở phần phía Bắc châu Âu (Bắc Âu).
“Mối quan tâm của chúng tôi là tăng khối lượng vận chuyển với các cảng Trung Quốc, trong đó có Đại Liên. Hiện đã có sự gia tăng lớn về số lượng tàu đi từ Thượng Hải (Shanghai) đến Arkhangelsk qua Tuyến đường biển phía Bắc. Trong suốt mùa hè năm nay, có tới 12 tàu sẽ đi từ Thượng Hải đến Arkhangelsk”, ông Tsybulsky nói.
Minh Đức (Theo Maritime Executive, ORF Online, Artic Review)