Ngày 24/4, lần đầu tiên lãnh đạo ngành văn hóa của Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cùng lên đỉnh Hải Vân để bàn cách cứu di tích Hải Vân Quan đang bị hoang phế trong khoảng thời gian dài. Buổi làm việc diễn ra ngay trên đỉnh đèo.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 20 năm trước, khi đang còn công tác tại trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ông đã làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho địa điểm này. Tuy nhiên, đại diện 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế không thống nhất được với nhau dẫn đến thời gian dài Hải Vân Quan bị "bỏ rơi".
Theo ông Dũng, điều quan trọng hiện tại là chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng, bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học, dựng biển giới thiệu về di tích và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích. Ông còn đề xuất di dời, loại bỏ những hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố của di tích như vọng gác trên cổng Hải Vân Quan, các lô cốt trên đất di tích, các công trình dân sinh…
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng thống nhất những đề xuất này. Theo ông Hùng, sở dĩ có tình trạng di tích này bị hoang phế là vì ranh giới không được xác định rõ ràng dẫn đến kéo dài trong việc làm hồ sơ công nhận. Đồng thời, do hai cuộc chiến tranh kéo dài, nguyên trạng của di tích không còn nguyên vẹn, có nhiều công trình không phải là của di tích mọc lên ở địa điểm này, cần tháo dỡ…
“Bây giờ, chúng tôi đang tìm điểm chung. Đây là điểm chung lý tưởng kết nối giữa hai địa phương. Hải Vân Quan được công nhận di tích Quốc gia là biểu tượng tình đoàn kết giữa hai địa phương, cụ thể là hai ngành Văn hóa và Thể thao của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Điều quan tâm của chúng tôi là làm sao nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách”, ông Hùng nhấn mạnh.
Huy Cường - Nhâm Thân