"Giáo dục đang đi lạc"
Dư luận vẫn chưa hết thắc mắc xung quanh dự thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông có dự toán kinh phí 70.000 tỷ đồng mà Bộ GD&ĐT từ cách đây gần một năm. Việc cải cách đổi mới giáo dục để đào tạo ra những con người có ích cho xã hội là việc làm được cả xã hội quan tâm và ủng hộ. Cải cách một chương trình giáo dục đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại, không bắt nhịp được với xu thế phát triển của thế giới là một định hướng hoàn toàn đúng đắn của ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, đổi mới như thế nào, cải cách ra sao lại là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, nhất là khi Bộ GD&ĐT vẫn chưa có được một phương hướng cụ thể rõ ràng để tạo lòng tin dư luận vào một sự cải tiến chứ không phải cải lùi.
Sách giáo khoa chỉ là khâu cuối cùng trong quá trình cải cách.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã từng trả lời trước báo giới rằng con số 70.000 tỷ đồng nói trên chỉ là bước đầu dự toán kinh phí, hơn nữa, trong số 70.000 tỷ dự toán ấy chỉ có 960 tỷ chi cho việc biên soạn chương trình SGK mới (chưa đầy 1/70 tổng dự toán). Số tiền còn lại chi cho các việc như xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Ông Hùng cho rằng: Hiện nay, chương trình sách giáo khoa được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung dạy học, có nghĩa là quan tâm đến việc học sinh học được những gì. Còn chương trình mới sẽ xuất phát từ những năng lực mà các học sinh cần có trong cuộc sống và đi đến kết quả cuối cùng là phải đạt được năng lực đó.
Điểm khác biệt ở chương trình mới hướng đến là cân đối hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và từng bước dạy nghề cho học sinh. Ngoài chương trình chung cho toàn quốc sẽ có phần dành riêng cho các địa phương chủ động xác định.
Liên quan đến vấn đề đổi mới sách giáo khoa, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ. GS Chu Hảo tỏ ra khá ngạc nhiên về con số dự toán kinh phí khổng lồ mà Đề án "Đổi mới chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015".
Ông cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ lưỡng để không bị cho rằng đề án có sự dễ dãi trong sử dụng tiền thuế của nhân dân, sự thiếu minh bạch về tài chính. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ mới nằm trong dự thảo nên sẽ còn được góp ý nhiều và phải thông qua Quốc hội theo luật định.
Có cái nhìn bao quát, GS Chu Hảo cho rằng cần phải thay đổi triết lý giáo dục trước khi tính đến việc chương trình học sẽ dạy gì, theo phương pháp nào và quản lý ra sao. Không nên nghĩ rằng cứ thay đổi sách giáo khoa là sẽ thay đổi được chất lượng giáo dục hiện nay.
"GS. Hoàng Tụy đã nói, nền giáo dục của chúng ta đang đi lạc đường chứ không phải lạc hậu. Chúng ta cần thay đổi toàn diện chứ không nên chỉ chắp vá bằng việc đổi mới sách giáo khoa", GS Chu Hảo nhấn mạnh.
Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ phân tích, nền giáo dục của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập. Đó là nền giáo dục mà triết lý giáo dục nói rất hay nhưng trong thực tế cuộc sống phần lớn lại đào tạo ra những con người thụ động, không có năng lực sáng tạo, chỉ biết học thuộc lòng. Chúng ta hiện đang lún sâu vào nền giáo dục tạo ra những con người ham hố bằng cấp, khác với nghị quyết, chủ trương đặt ra. Nền khoa học-công nghệ, văn học-nghệ thuật khó có thể phát triển trên cơ sở này. Sản phẩm giáo dục của chúng ta đang bị thị trường hóa. Nếu không có cái nhìn thẳng thắn thì sẽ khó mà vực dậy được nền giáo dục đã lâm vào khủng hoảng bấy lâu nay.
Giáo dục của chúng ta đang quá chú trọng vào việc đào tạo con người như một công cụ phục vụ công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa chứ không phải là phát triển con người như một nhân cách có khả năng độc lập, tư duy và sáng tạo. Quan điểm trong các chính sách thì rất hay nhưng trên thực tiễn chúng ta lại chưa thực hiện được điều đó.
GS Chu Hảo đưa ra kiến nghị: "Nền giáo dục của ta hiện nay cần phải xây dựng lại quan điểm và triết lý về giáo dục cho thật chuẩn xác, phù hợp với sự phát triển của đất nước và thời đại. Muốn làm cải cách thì cần có một cuộc tổng điều tra về giáo dục để cho mọi người thấy thực trạng của nó. Nếu thấy rằng thực chất của nền giáo dục chưa tốt thì chúng ta phải thay đổi triệt để”.
Tâm điểm không phải là sách giáo khoa
PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông Quân chia sẻ: Tôi chưa rõ ý tưởng thay sách của Bộ lần này là thay như thế nào? Trước đây chúng ta chỉ thường thay sách theo kiểu luân phiên, tức là thay từng quyển sách, từng môn học. Nếu thay toàn bộ phải có căn cứ. Tôi cũng chưa biết căn cứ của việc thay sách này nằm ở đâu?
Một đề án 70.000 tỷ đồng mà chỉ vỏn vẹn có 30 trang giấy đã từng được cho là cẩu thả, là sơ sài. Theo tôi, Bộ phải cụ thể rõ ràng hơn trong những quyết định của mình, tránh gây lãng phí mà kết quả lại không được như mong muốn. Nền giáo dục của nước ta xưa nay vẫn nặng về kiến thức và yếu về kỹ năng. Nếu viết sách mà lại viết như cũ thì không giải quyết được vấn đề gì.
GS.TS Quân bày tỏ quan điểm: Tôi luôn ủng hộ việc cải cách để có một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và tiến kịp với thế giới. Tuy nhiên, con số 70.000 tỷ thì đáng phải suy nghĩ. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu cải tiến thì đã là một sự lãng phí rồi, nhưng nếu cải lùi thì sẽ rất có tội với nhân dân.
Thực chất để thay sách thì tôi cho rằng con số này quá lớn. Chúng ta cần phải tính toán cụ thể trước khi thực hiện. Bản thân tôi sợ rằng con số đưa ra chưa thật sự chính xác vì đề án của Bộ thực chất cũng chưa rõ ràng và chi tiết cho quá trình thực hiện.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Ý tưởng viết nhiều bộ sách giáo khoa theo một định hướng nền kiến thức chung của Bộ GD&ĐT là một việc làm hay. Trước đây, Bộ GD&ĐT chỉ có chung một bộ sách giáo khoa cho tất cả học sinh của các vùng miền. Điều này sẽ khó cho các đối tượng học sinh ở vùng sâu vùng xa khi các em không có đủ điều kiện học tập, khó theo kịp được kiến thức.
"Tôi rất ủng hộ việc làm này vì tôi nghĩ rằng: Nên để các nhóm tác giả và các nhà xuất bản soạn thảo ra những bộ sách giáo khoa có chất lượng để cạnh tranh nhau. Dựa trên nền kiến thức chuẩn của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ lựa chọn từng bộ SGK phù hợp với học sinh của trường mình. Sự cạnh tranh này sẽ là cơ hội để chúng ta có thể lựa chọn những bộ sách hợp lý nhất.
Tất nhiên, các bộ SGK như vậy phải có sự kiểm soát kiến thức nền của Bộ GD&ĐT và có hành lang pháp lý rõ ràng cho lượng kiến thức trong nó. Như vậy mới đảm bảo được cho người học có được những kiến thức chuẩn mà vẫn theo kịp thời đại".
GS. TS. Trần Hồng Quân cũng cho rằng: Chúng ta cần phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong đó có rất nhiều việc phải làm trước tiên chứ không phải chỉ có chăm chăm nghĩ đến chuyện viết lại SGK. Hơn nữa, cần giải quyết về mặt định hướng trước khi thực hiện việc viết lại. Chúng ta đang giáo dục con người theo cách hết sức thụ động. Do đó, trước khi muốn viết lại sách để giáo dục đào tạo, nên cải cách về mặt phương pháp dạy và học. Đổi mới định hướng cho chương trình, nội dung và phương pháp cho các bậc học.
Nếu chỉ quan tâm đến việc viết lại sách là hoàn toàn sai sách, sẽ không giải quyết được vấn đề gì. "Quan trọng là chúng ta phải định hướng rõ ràng về sự thay đổi. Sách giáo khoa chỉ là khâu cuối cùng của một quá trình cải cách", GS.TS. Quân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm: Đề án đưa ra là chưa đúng thời điểm để thực hiện. Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phải là công đoạn cuối cùng trong quá trình đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục.
Hơn nữa, con số 70.000 tỷ đồng là quá lớn và trước khi chờ đợi một đề án thực sự khả thi nhằm đổi mới toàn diện nền giáo dục thì chúng ta nên mạnh dạn cắt bỏ 1/3 chương trình hiện hành để giảm tải cho học sinh. Như vậy vừa đỡ tốn ngân sách, lại hợp lòng dân và chúng ta có thể thực hiện ngay được.
Phạm Hạnh - Dương Thu