Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Chính phủ xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" là chủ đề được Chính phủ xác định trong năm nay, với nhiều trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen"
Chính phủ khẳng định sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Để thực hiện mục tiêu, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ xác định. Trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".
Chính phủ yêu cầu phải triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả”, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc
Chính phủ cũng tập trung đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị…
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như: các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Tp.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Song song, Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc.
Ngoài ra, Chính phủ cho hay sẽ đánh giá, rà soát thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng... để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Hoàn thành xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương
Trong nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Để thúc đẩy liên kết vùng, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, Chính phủ cho rằng cần đánh giá, rà soát thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng... để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, Chính phủ quán triệt phải hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quý III/2024 để đầu năm 2025 tập trung cho đại hội Đảng các cấp, nhất là cấp xã.
Đi kèm với đó, Chính phủ nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước trước ngày 31/3.
Trong việc này, Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7.