“Cái chết bất ngờ” từ trang cuối của thực đơn

Thứ 6, 28/12/2012 00:06

Giá cả leo thang, người dân chắt chiu từng đồng, thắt chặt chi tiêu còn những người kinh doanh lại nảy ra nhiều ý tưởng để công khai "móc túi" khách hàng.

Nhập nhèm niêm yết giá

Chị Nguyễn Thị Hương (943, đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Mới đây tôi và gia đình có lên quán H.H trên phố Hòa Mã ăn tối, sau khi xem menu (thực đơn) chúng tôi đã gọi món bít-tết xíu mại, 150 nghìn đồng/suất. Vẫn cứ nghĩ giá như đã niêm yết ở menu, đến khi đứng dậy thanh toán thấy giá tiền đội lên, tôi đã thắc mắc thì nhận được câu trả lời từ cô nhân viên: "Giá cả tăng, nhà hàng tăng thêm 15%". Tôi đã gặng hỏi: "Tại sao tăng giá mà nhà hàng không thông báo cho khách, cô nhân viên này lấy quyển menu và dở trang cuối cùng của menu cho chúng tôi xem dòng chữ: "Quý khách thông cảm, giá cả hàng hóa đều tăng, nhà hàng tăng 15% so với giá niêm yết".

Khi ấy, tôi mới té ngửa về cách thông báo nửa kín nửa hở của nhà hàng. Chị Hương cũng cho biết thêm, 15% giá đội lên không phải là quá lớn nhưng không thể chấp nhận kiểu làm ăn nhập nhèm như vậy. Giá thực phẩm tăng kéo theo giá tăng, nhà hàng cần niêm yết công khai, khách hàng cảm thấy chấp nhận được sẽ sử dụng sản phẩm chứ không thể "lập lờ đánh lận" được.

Nhiều quán cà phê chọn hình thức nhập nhèm giá niêm yết

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, anh Lê Mạnh Hùng có chuyến đi công tác tại thành phố nọ, sau khi "trà dư tửu hậu" cùng bạn bè, anh Hùng tìm đến một quán cà phê có tiếng bậc nhất ở thành phố này để "chém gió" với bạn bè. Mở cuốn menu, anh tấm tắc khen giá cả hợp lý, đồ uống ở đây rẻ hơn nhiều ở Hà Nội. Sau khi đứng dậy thanh toán, anh thấy "choáng" vì hóa đơn thanh toán chẳng hề rẻ chút nào.

Nhẩm tính, nếu theo đúng trí nhớ của anh, giá mỗi sản phẩm anh gọi đều rẻ hơn so với hóa đơn. Xem lại thì giá trong menu vẫn thấp hơn ở hóa đơn. Tuy nhiên nhìn kỹ lại thì trong menu có một dòng chữ: "Do giá cả thực phẩm tăng nên đồ ăn và đồ uống nhà hàng tăng 15% so với giá trong menu. Kính mong quý khách vui lòng".

Lúc này anh Hùng cũng đành ngậm ngùi trả tiền vì nhà hàng đã công khai "móc túi" khách hàng bằng một sự nhập nhèm niêm yết giá. Anh Hùng cũng cho biết, đem thắc mắc đến người quản lý quán cà phê anh nhận được câu trả lời: "Niêm yết giá cao, khách hàng chê đắt. Chúng tôi công khai ghi rõ lý do tăng giá, khách hàng nếu chấp nhận thì gọi đồ ăn, thức uống chứ không hề "ép" khách phải trả tiền cao hơn giá niêm yết". Anh Hùng bức xúc: "Đúng là kiểu treo đầu dê móc túi khách hàng".

Với lý do giá cả tăng, rất nhiều quán cà phê, quán ăn... đều phản ứng dây chuyền với chiêu nhập nhèm niêm yết giá.

Đánh tráo thực phẩm

Anh Lê Mạnh Tuấn (Doanh nghiệp lắp ráp ô tô tư nhân- Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Trong một chuyến đi công tác ở Phú Thọ, nghe nhiều người kháo về thứ đặc sản của vùng là "dê núi, cá sông, gà đồi", đặc biệt là cá lăng ngon hảo hạng. Không cưỡng lại được những lời quảng cáo của những người dân bản địa, anh Tuấn cùng 4 người bạn đã vào quán N.A (TP. Việt Trì, Phú Thọ) để thưởng thức món cá đặc sản này. Anh Tuấn bảo rằng: "Chúng tôi gọi con cá 2,8 kg, giá hơi "chát" 800 nghìn đồng/kg nhưng đúng là cá lăng rất ngon. Cá ít xương, ngọt thịt và thơm".

Ngày hôm sau, anh Tuấn và nhóm bạn quay lại quán N.A để tiếp tục được thưởng thức món cá lăng nhưng quán đã kín chỗ, anh đành tìm sang quán khác. Rẽ vào quán khác anh lại gọi món cá lăng. Ở đây giá chỉ 600 nghìn đồng/kg, anh Tuấn thắc mắc: "Sao cá lăng rẻ thế, rẻ hơn 200 nghìn so với hôm qua tôi vừa ăn". Nhân viên quán quả quyết: "Cá lăng quán em ngon nổi tiếng. Chắc chắn rẻ và ngon hơn cá 800 nghìn đồng mà anh đã ăn. Đặc biệt nhất, quán còn có cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ)". Thấy cô nhân viên nói "chắc như đinh đóng cột", anh Tuấn không ngần ngại gọi... đặc sản.

Món cá lăng đặc sản được nhiều người ưa thích

"Ngay khi món cá lăng được đặt lên bàn nhậu, tôi đã thấy không giống với loại cá lăng đã ăn. Ăn thử một miếng, thịt bở và nhiều xương dăm. Không có mùi thơm. Tôi quả quyết không phải cá lăng, nhưng nhân viên của quán thì khăng khăng là... cá lăng "xịn". Sau một hồi phân trần, tôi vẫn phải trả tiền "cá đặc sản" nhưng đổi lại được ăn "cá đánh tráo", anh Tuấn bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của PV, không ít quán ăn, vì lợi nhuận họ sẵn sàng đánh tráo thực phẩm thay thế để thu lời nhiều hơn. "Những loại cá lăng, cá Anh Vũ... phần lớn là cá nuôi và được nhập về từ Trung Quốc chứ không phải cá bắt từ sông như nhà hàng vẫn quảng cáo", - ông Vũ Văn Nguyệt, 69 tuổi, (Phường Tân Phú- TP. Việt Trì, Phú Thọ) bật mí.

Câu chuyện của những thực khách trong thời "bão giá" mới thấy hết những ý tưởng kinh doanh kiểu "té nước theo mưa" thật độc đáo và kiếm được bộn tiền.

Ngân Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.