Cái chết bi ai của vợ chồng nữ tướng Tây Sơn

Cái chết bi ai của vợ chồng nữ tướng Tây Sơn

Thứ 2, 16/09/2013 08:55

Bùi Thị Xuân (? – 1802) không rõ năm sinh, quê xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nữ tướng thời Tây Sơn, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu.

Mùa thu năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bệnh băng hà. Triều Tây Sơn từ đó ngày một suy yếu. Nguyễn Ánh được bọn tây dương giúp, nhân thế đem đại quân vượt biển ra đánh úp, chiếm mất Quy Nhơn. Nhận được tin mật cho biết triều đình Tây Sơn lục đục, Nguyễn Ánh cầm quân tiến đánh Quảng Nam. Không ngờ gặp sự giáng trả của Bùi Thị Xuân, quân Nguyễn thua tơi tả phải rút lui. Bị thua mưu trí và võ công của đàn bà, Nguyễn Phúc Ánh thề sẽ trả thù sau này.

Sau khi đánh lui quân Nguyễn, Bùi Thị Xuân mới kéo quân về triều cùng chồng giải quyết cuộc xung đột. Mọi người lo sợ bà sẽ trả thù Võ Văn Dũng, vì Bùi Đắc Tuyên chính là cậu ruột của bà. Nhưng Bùi Thị Xuân đã gạt tình thân, vì nghĩa lớn, bỏ qua chuyện thù riêng nên Võ Văn Dũng rất cảm kích, nguyện kết tình huynh đệ sinh tử với Trần Quang Diệu.

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng được cử cầm quân đánh thành Quy Nhơn do tướng Võ Tánh trấn giữ. Tình hình vô cùng nguy cấp, chúa Nguyễn định đem quân đến giải cứu. Biết đây là hai tướng tài giỏi nhất của Tây Sơn đang có mặt cả ở đây, Võ Tánh gửi thư khuyên chúa Nguyễn bí mật kéo quân ra đánh vào Phú Xuân, còn ông sẽ cầm chân họ.

Đánh lâu không hạ được thành, Trần Quang Diệu sai đắp lũy xung quanh thành, chia quân bao vây bốn mặt. Võ Văn Dũng đem thủy binh đóng giữ cửa Thị Nại, xây đồn đặt pháo ngăn cản quân tiếp viện. Trong thành hết lương thực, Võ Tánh dùng mũi tên gắn thư bắn ra cho Trần Quang Diệu, trong thư viết: "Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại". Sau đó, Võ Tánh chất rơm cỏ dưới lầu bát giác tự thiêu, hiệp trấn Ngô Tòng Châu cũng uống thuốc độc tự tử, thành Quy Nhơn đầu hàng. Trần Quang Diệu vào thành, sai làm lễ liệm táng trọng thể hai vị tướng tuẫn tiết, và tha cho tướng sĩ nhà Nguyễn, không giết một ai.

Phú Xuân bị mất, Bùi Thị Xuân dẫn 5.000 quân hộ giá vua Cảnh Thịnh đi chiếm lại. Biết đã bị dồn đến bước đường cùng, Bùi Thị Xuân tự tay thúc trống trận dồn dập rồi liều chết cưỡi voi xông vào chiến lũy Trấn Ninh. Vốn đã từng nếm mùi thua trận trước vị nữ tướng oai phong lẫm liệt, quân Nguyễn sợ hãi xô nhau chạy. Chúa Nguyễn đem một cánh quân vượt sông Linh Giang tìm đường rút. Vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn đông, sợ quá bỏ chạy. Bùi Thị Xuân níu áo lại không được. Như rắn mất đầu, quân Tây Sơn vỡ trận. Đó là trận đánh oanh liệt cuối cùng của vị nữ tướng anh hùng.

Từ Quy Nhơn, Trần Quang Diệu cấp tốc trở về cứu Phú Xuân, nhưng đã quá muộn. Vua Cảnh Thịnh cùng một nhóm người đã trốn lên Bắc Hà. Trần Quang Diệu một mình vượt qua đất Lào rồi quay về Nghệ An, gặp lại được vợ ở vùng Quỳ Hợp. Không còn quân sĩ trong tay, hai mãnh tướng bị quan quân nhà Nguyễn vây bắt tại đây đem đóng cũi giải về Phú Xuân.

Biết Trần Quang Diệu là một tướng tài, lại có lòng nhân tha cho toàn bộ quân sĩ trong thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh định thu phục ông đầu hàng, nhưng ông đã từ chối thẳng thừng.

Bùi Thị Xuân bị trói đến trước mặt Nguyễn Ánh. Chúa Nguyễn tự đắc hỏi bà: “Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?”. Bà trả lời: “Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn mảnh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng”.

Nguyễn Ánh đã từng trực tiếp bị bà đánh thua, nay lại bị bà sỉ nhục, nên căm hận lắm. Cả hai vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân bị đem ra hành quyết.

Luật nay: Muốn kết tội phải có bản án

Một người thực hiện hành vi phạm tội nếu họ chưa bị Toà án kết án thì họ chưa bị coi là có tội. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác phải có thái độ tôn trọng họ khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết có liên quan đến thân thể và tài sản của họ (việc bắt giữ hoặc kê biên tài sản nhằm đảm bảo cho quá trình chứng minh tội phạm). (Điều 9 BLTTHS).

Đây là nguyên tắc cơ bản, nhằm đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân được quy định trong Hiến pháp và Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta. Theo nguyên tắc này thì: Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là họ vẫn phải chịu một số biện pháp cưỡng chế nhất định, nhưng không ai được xem là có tội và không chịu bất kỳ một hình phạt nào khi chưa có bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, trong vụ việc trên, cái chết của vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân nếu xử theo pháp luật ngày nay thì sẽ không phải chịu tội chết như vậy. Đồng thời vụ án sẽ được đem ra xét xử công khai và phải có một bản án cụ thể.                               

Tường Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.