Vua Tự Đức vì lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa nên không có con. Được làm vua, nhưng Kiến Phúc không phải... làm gì cả, tất thảy mọi việc đều do hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết định. Tuy nhiên, chỉ làm vua tám tháng thì ông vua này qua đời vào ngày 31/7/1884.
Về cái chết của vua Kiến Phúc, chính sử của nhà Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên ghi: "Vua không khỏe, ngọc thể vi hòa, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng và chia nhau đi cầu đảo các linh từ, sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ. Đến ngày mồng bảy tháng này, ngày Kỷ Mão mới ngự điện Văn Minh; chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng mười Nhâm Ngọ, bệnh kịch, giờ Ngọ hôm ấy vua mất ở chính tẩm điện Kiến Thành".
Ngày 1/8/1884, một ngày sau khi vua Kiến Phúc băng hà, Khâm sứ Rheinart ghi chú rằng, vua mất vì bệnh một cách bình thường: "Vua Kiến Phúc mất ngày hôm qua lúc đứng bóng sau khi cơn bệnh trở lại trong một thời gian rất ngắn. Tôi đã đánh điện đi Paris và Hà Nội để báo tin. Vị vua trẻ tuổi, theo tôi tưởng, đã bị một bệnh về óc não hay tủy xương sống...
... Cha của vua đã mất vì bệnh điên. Cái chết của vua là một cái chết tự nhiên, nhưng nó đã đến một cách quá bất ngờ làm cho mọi người kinh ngạc. Đứa trẻ đáng thương đã làm vua một cách miễn cưỡng: Nó sống trong sự kinh hoàng, luôn luôn lo sợ bị một số phận như người tiền nhiệm, buồn bực, trầm mặc, trốn tránh mọi người. Trong một thời gian khá lâu, nó không dậy nổi, tôi không biết nó có thể đứng lên mà không cần người đỡ không, từ lúc bị bịnh, nghĩa là từ ba tháng nay...".
Theo một số nhà nghiên cứu, các nguồn thông tin về giả thuyết đầu độc là không chính xác và cho rằng vào giai đoạn lịch sử này ở Việt Nam, Pháp và những người theo họ muốn tung tin để hạ uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (những người chủ trương chống Pháp) và làm triều Nguyễn rệu rã, suy vong. Đồng thời, căn cứ vào sử liệu Đại Nam thực lục chính biên cùng với quy chế nội cung liên quan, một số nhà nghiên cứu cho rằng, vua mất vì bệnh tái phát nguy kịch, mà mọi loại thuốc thang do các quan ngự y dâng lên đều vô hiệu...
Luật nay: Làm rõ người đã vu khống hai vị quan vào tội giết người
Sau cái chết bất ngờ của vị vua trẻ này có nhiều lời đồn thổi ác ý cho rằng có liên quan đến Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường (những người chủ trương chống Pháp). Nhưng sau đó, các tài liệu sử học của các sử gia đã cho thấy cái chết đó là do bệnh tật chứ không phải bị đầu độc như một số luồng thông tin trước đó đã đưa tin. Chỉ vì thù ghét cá nhân mà một số người đã vu khống cho hai vị quan kia tội tày đình. Tội giết vua. Chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ từng nội dung của vụ án. Cái chết ấy có liên quan đến hai vị quan hay không? Hay là bị chết do bệnh tật. Và người vu khống phải bị xử phạt nghiêm.
Theo đó, khi cơ quan chức năng có cơ sở để khẳng định cái chết không liên quan đến hai vị quan trên thì phải buộc tội người vu khống. Điều 122 BLHS quy định về tội vu khống: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Như vậy, cái chết của vua Kiến Phúc nếu không liên quan đến Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thì cơ quan chức năng phải điều tra kẻ đã vu khống cho hai vị quan này để xử lý nghiêm.
Tường Linh