Sớm nở, tối tàn
Trên dưới 300 tỷ đồng (theo xác nhận của chính đội bóng này) đã được Navibank Sài Gòn rót vào bóng đá. Hàng loạt tên tuổi nổi tiếng trên sân cỏ Việt Nam từ nội binh đến ngoại binh đã gia nhập đội, để rồi rốt cuộc Navibank Sài Gòn vẫn phải bỏ cuộc chơi mà chẳng hề thu lại được bất cứ thứ gì về mặt chuyên môn, ngoài chuyện bây giờ ngân hàng này đã trở nên khá nổi tiếng nhờ bóng đá. Tuy nhiên, có lẽ đấy là sự nổi tiếng mà bản thân Navibank Sài Gòn chẳng hề muốn chút nào: Nổi tiếng vì xóa sổ 1 công ty con (công ty cổ phần bóng đá Navibank Sài Gòn là công ty con của ngân hàng Nam Việt). Và ở thời buổi mà người ta thắt chặt chi tiêu, thì nổi tiếng về mặt thương hiệu cũng chẳng còn mấy ý nghĩa.
99% Navibank Sài Gòn sẽ giải thể
Ngân hàng Nam Việt rút lui, hơn 1 tháng trước, một doanh nghiệp khác nhảy vào tiếp nhận lại suất đá V - League của Navibank Sài Gòn là Công ty Xuân Thủy. Xuân Thủy mua lại suất V - League của Navibank Sài Gòn với giá 21 tỷ đồng. Đấy là thời điểm mà nhiều người thoáng vui cho tương lai của đội bóng, tương lai của các cầu thủ vẫn còn đang vướng hợp đồng với đội bóng ngành ngân hàng. Nhưng, hơn một tháng sau thời điểm mà Xuân Thủy mua lại đội bóng, sự thật vẫn cứ là sự thật. Sự thật là suất V - League từng thuộc sở hữu của Navibank Sài Gòn giờ vẫn đứng trước nguy cơ bị bỏ phí.
Ông chủ của Xuân Thủy vốn là em trai của bầu Thụy, người đang sở hữu đội đương kim giữ Cúp Quốc gia Sài Gòn Xuân Thành. Nói không ngoa, chính bầu Thụy là người đứng đằng sau thương vụ mua lại Navibank Sài Gòn, và ngay cả bầu Thụy bây giờ cũng không còn giàu đến mức có thể cùng lúc nuôi cả 2 đội bóng. Bầu Thụy nói: "Công ty Xuân Thủy không có chức năng nuôi đội bóng, mà chúng tôi sẽ chuyển nhượng cho bên có nhu cầu. Trong trường hợp không chuyển nhượng được, Navibank Sài Gòn sẽ phải xuống hạng, thậm chí giải tán!".
Hơn một tháng, thuộc cấp của bầu Thụy là ông Trần Tiến Đại mòn mỏi tìm đối tác, câu trả lời mà ông Đại thường gặp được nhất chính là cái lắc đầu khi người ta được hỏi về chuyện mua lại suất V - League của Navibank Sài Gòn.
Vậy nên, cho đến giờ, có đến 99% khả năng Navibank Sài Gòn sẽ bị xóa sổ. Công việc cuối cùng mà những người chủ của đội bóng này bây giờ có thể làm được là chuyển một số cầu thủ của Navibank Sài Gòn sang khoác áo Sài Gòn Xuân Thành. Số còn lại sẽ thất nghiệp. Đáng buồn thay, trong số đó có cả những cầu thủ rất nổi tiếng, đã và đang là tuyển thủ quốc gia như Quang Hải, Được Em, thủ môn Thế Anh.
Chung quy của vấn đề rốt cuộc vẫn là khó khăn về mặt kinh tế. Những người chủ cũ của Navibank Sài Gòn không còn đủ tiền và đủ kiên nhẫn để duy trì đội bóng, những người chủ mới cũng không dư tiền để tiếp tục đổ vào bóng đá. Trong khi đó, những đối tác được đặt vấn đề lại không dám mạo hiểm với trò chơi vốn càng lúc càng tốn kém mang tên bóng đá nội.
Một ngôi sao tầm cỡ như Quang Hải giờ cũng chưa biết đi đâu, về đâu
Cầu thủ lãnh đủ
Đội bóng giải tán, các cầu thủ cũ của Navibank Sài Gòn chính là những người hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Không phải ai cũng may mắn như Tài Em, Long Giang, Việt Cường, những người hiện đã có hợp đồng với đội bóng mới Sài Gòn Xuân Thành. Số còn lại hiện đang kẹt giữa vô vàn khó khăn.
Mới đây nhất, một số cầu thủ của Navibank Sài Gòn bày tỏ họ sẽ nhờ đến luật sư để làm việc với lãnh đạo của cả công ty cũ lẫn công ty mới, trong việc giải quyết chế độ cho họ. Không chỉ chưa thể nhận đủ tiền lót tay cho hợp đồng đã ký với Navibank Sài Gòn trước đó, những cầu thủ từng khoác áo đội bóng ngành ngân hàng vẫn đang bị nợ lương.
Cái khó là cho đến bây giờ, bản thân các cầu thủ cũng chưa biết ai là người sẽ trực tiếp giải quyết chuyện chế độ cho họ: Lãnh đạo công ty cũ hay lãnh đạo công ty mới? Công ty cũ thì đang chờ giải thể, nên chuyện chế độ cho cầu thủ cũng không còn được quan tâm đúng mức, trong khi công ty đã mua lại suất của Navibank Sài Gòn thì vẫn chờ hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ có liên quan.
Với những ngôi sao cỡ như Quang Hải, Thế Anh, Được Em, có nằm mơ họ cũng không thể ngờ rằng họ lại mau chóng thất nghiệp đến như vậy. Cái thời giới quần đùi áo số được săn đón để ký hợp đồng, để nhận tiền tỷ lót tay có lẽ đã qua rồi và còn lâu mới trở lại. Bằng chứng là vài tháng sau khi chính thức thất nghiệp, phần rất đông trong số các cầu thủ từng khoác áo Navibank Sài Gòn cho đến giờ vẫn chưa thể tìm được bến đỗ mới. Quang Hải là một ví dụ điển hình. Tiền đạo này dù vẫn đang khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng anh hiện vẫn chưa biết tương lai của mình ra sao, dù xét về mức độ nổi tiếng, Quang Hải chưa chắc kém ai trong làng cầu nội.
BHL cũng thất nghiệp Không chỉ có các cầu thủ, BHL của Navibank Sài Gòn ngày nào cũng thất nghiệp nốt. HLV trưởng Phạm Công Lộc từng được Sài Gòn Xuân Thành đề nghị nên giảm 50% lương (thời còn nắm Navibank Sài Gòn, mỗi tháng HLV Phạm Công Lộc nhận 100 triệu đồng tiền lương). Ông Lộc không đồng ý với đề xuất này của lãnh đạo Sài Gòn Xuân Thành và thế là đội bóng thành phố không thèm thương lượng tiếp, HLV Phạm Công Lộc tạm thời về quê nghỉ, mà chưa biết ngày nào mới trở lại với bóng đá đỉnh cao. Trợ lý Phùng Thanh Phương của HLV Phạm Công Lộc ra Nha Trang học lớp HLV bằng A nhằm chuẩn hóa kiến thức huấn luyện theo yêu cầu của AFC và VFF. Nhưng có lẽ sau khi lấy bằng, ngay bản thân Phùng Thanh Phương cũng chưa biết mình sẽ dùng tấm bằng A đấy vào việc gì? |
Viễn Kiều