Vua Gia Long (1762-1820), tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, là vị hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Trong quá trình lập quốc, bên cạnh vua Gia Long có nhiều công thần từng trung thành, vào sinh ra tử từ những ngày khó khăn nhất. Trong đó phải kế đến Nguyễn Văn Thành (1758-1817), một trong những vị khai quốc công thần, có công lớn nhất đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi.
Tuy nhiên, dù là bậc công thần nhưng do liên quan đến một vụ án dưới thời vua Gia Long, Nguyễn Văn Thành đã phải chọn cái chết tức tưởi.
Theo sử sách ghi, Nguyễn Văn Thành có người con trai tên là Nguyễn Văn Thuyên, vốn yêu văn chương, thường đàm đạo, ngâm thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ, nghe ở đất Thanh Hóa có Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận nổi tiếng hay chữ, Thuyên đã làm bài thơ gửi tặng.
Nội dung bài thơ được sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” (ghi chép lịch sử thời vua Gia Long) chép lại như sau:
“Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt
Dành để chiếu bên ta muốn chờ
Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn
Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc
Thơm nghìn dặm lan trong hang tối
Vang chín chằm phượng hót gò cao
Phen này nếu gặp Tể (tướng) trong núi
Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.
Vốn là bậc công thần, Nguyễn Văn Thành bị một số người ghen tị nên khi bài thơ đến tai vua Gia Long, nhiều kẻ đã lập luận, thêu dệt 2 câu thơ cuối của bài thơ và cho rằng 2 cha con Thuyên có ý phản loạn, truất ngôi vua.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 53, năm Gia Long thứ 15 (1816) có chép: Vua nói: “Văn Thành là kẻ có tội, nhưng cũng nên có cách xử trí”. Bèn thu quan phục và kiếm, Văn Thành mất chức. Vua bảo bầy tôi rằng: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Lật ngôi vua ư? Phản loạn ư?”.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 55, năm Gia Long thứ 16 (1817) chép rằng: Vua nói: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được”.
Vua bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị lang. Bầy tôi họp để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không? Có muốn lật ngôi không?”. Thành nói: “Không”.
Vài ngày sau, thống chế Hoàng Công Lý nói với Văn Thành rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Thành lặng im uống thuốc độc chết.
Sau đó, Vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”, Công Lý nói: “Bẩm không”. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”.
Đúng lúc đó, có quân lính lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành trước lúc chết ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.
Vua Gia Long mặc dù là bậc thiên tử nhưng trước sức ép của quan quân, ngài đã không bảo vệ được công thần của mình, kết cục Nguyễn Văn Thành đã phải chọn cái chết, con là Nguyễn Văn Thuyên bị xử trảm.
Điều đắng cay ở chỗ, Nguyễn Văn Thành là người soạn thảo Bộ luật Gia Long nhưng chính ông đã phải nhận cái án đầy khắc nghiệt mà mình đã soạn ra. Tuy nhiên, liên quan đến cái chết của Nguyễn Văn Thành, đến nay hậu thế vẫn đặt câu hỏi tờ di chiếu trần tình của ông tại sao không đến được tay vua trước lúc chết.
Lê Kông