Chạy mãi thì mất uy, sai bảo chẳng còn ai nghe nữa, có lúc nhà vua chỉ còn vỏn vẹn trong tay vài ba chục người theo hầu. Với Lý Huệ Tông, quả đúng là "họa vô đơn chí", đang khi bôn tẩu gian nan thì cuộc xung đột trong nội bộ hoàng tộc lại bùng nổ quyết liệt, giữa một bên là Đàm thái hậu (mẹ đẻ của Lý Huệ Tông) và một bên là Trần Thị Dung (vợ của Lý Huệ Tông).
Trở lại chuyện cũ, hồi Lý Huệ Tông còn là thái tử, bởi cuộc náo loạn kinh thành năm 1209 mà Lý Huệ Tông phải chạy đến Hải Ấp. Tại đây, Huệ Tông đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung, năm đó, Huệ Tông 15 tuổi. Nhưng, cuộc hôn nhân này không được vua cha là Lý Cao Tông chấp thuận.
Tháng 3/1210, Lý Cao Tông đã sai quan thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đến Hải Ấp đón Huệ Tông về, còn Trần Thị Dung thì bắt phải trở về với cha mẹ đẻ. Mấy tháng sau, Lý Cao Tông mất, Lý Huệ Tông lên nối ngôi và công việc đầu tiên của nhà vua trẻ tuổi này là cho người đi đón Trần Thị Dung về cung. Gia đình Trần Thị Dung lấy cớ giặc giã chưa yên nên chưa cho đón.
Sau nhiều lần bị ngăn trở, cuối cùng, Trần Thị Dung cũng đến được với Lý Huệ Tông, song, cũng kể từ đó, bà luôn bị Đàm thái hậu tìm cách bức hại. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 29 a-b) chép rằng: "Mùa xuân (năm Bính Tí, 1216) sách phong ngự nữ (chỉ bà Trần Thị Dung) làm phu nhân Thuận Trinh. Thái hậu cho Trần Tự Khánh (anh Trần Thị Dung) là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua bỏ và đuổi đi.
Thái hậu lại sai người nói với phu nhân rằng phải tự sát. Vua biết bèn ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của phu nhân, nên mỗi bữa ăn, vua chia cho phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt phu nhân phải uống mà chết, vua lại ngăn không cho. Đêm ấy, vua cùng với phu nhân lẻn đến chỗ quân của Tự Khánh".
Mùa hè năm Bính Tí (1216), Trần Thị Dung sinh hạ Thuận Thiên công chúa và cuối năm đó thì được phong làm hoàng hậu. Rất tiếc là Huệ Tông sau đó bị điên, Trần Thị Dung lại phải sống trong một nỗi khổ tâm khác.
Vin cớ, Lý Huệ Tông bị điên, họ Trần ép vua nhường ngôi rồi bắt đi tu. Nhưng sợ lòng người trong thiên hạ còn nhớ vua cũ, Trần Thủ Độ đã bức tử Lý Huệ Tông.
Luật nay: Phạm tội bức tử
Lý Huệ Tông bị Trần Thủ Độ bức ép đến chết khi ông ẩn mình ở chùa. Khi đó, Trần Thủ Độ là vua, thâu tóm mọi quyền lực trong tay và Lý Huệ Tông là người bị lệ thuộc vào Trần Thủ Độ. Chiếu theo quy định của pháp luật thời nay thì những hành vi của Trần Thủ Độ đối với vua Lý Huệ Tông có đầy đủ dấu hiệu của tội bức tử.
Điều 100 BLHS quy định tội bức tử như sau: Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Như vậy, theo quy định của điều luật nêu trên thì người bị coi là phạm tội bức tử khi có một trong những hành vi sau đây: Đối xử tàn ác đối với nạn nhân: Người phạm tội đã có hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, có hành động gây đau khổ cho người lệ thuộc mình.
Sự đau khổ của nạn nhân không chỉ là sự đau khổ về thể xác, mà còn có thể đau khổ về tinh thần; Thường xuyên ức hiếp nạn nhân: Đó là hành vi dựa vào quyền hành, sức mạnh, tiền tài để đè nén, buộc người lệ thuộc mình phải chịu đựng những bất công, phi lý mà không dám phản kháng...
Hành vi ức hiếp phải xảy ra thường xuyên thì mới bị coi là tội phạm; Ngược đãi nạn nhân: Là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, đi ngược lại với những quy tắc xử sự trong xã hội, những truyền thống của một dân tộc; Làm nhục nạn nhân: Hành vi làm tổn thương đến nhân phẩm, danh dự người lệ thuộc mình bằng lời nói hoặc bằng hành động.
Để xác định đúng tội phạm thì về phía người bị hại phải là người lệ thuộc vào người phạm tội, tức là họ phải dựa vào người phạm tội trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần. Mặt khác, nạn nhân phải là người tự tước đoạt tính mạng của mình và nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tự sát phải là do hành vi của người phạm tội gây ra.
Tường Linh