Nước mắt của mẹ nạn nhân
Đến dự phiên tòa, nỗi đau vẫn hiện hữu trên khuôn mặt của bà Nguyễn Thị Lem (SN 1962, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), mẹ của nạn nhân Trần Văn H. (SN 1994). Cứ mỗi lần Tòa nhắc đến tên con mình, bà lại không kìm được nước mắt. Bà Lem khóc ngất nói: "Con tui nó đâu có gây thù, chuốc oán với ai, vậy mà chết oan uổng quá. Còn đúng tám ngày nữa thôi là nó tròn 18 tuổi, tôi mong từng ngày cháu lớn lên để được nương nhờ, vậy mà...".
Bị cáo Lý Hữu Lâm trước tòa.
Cũng như bao người mẹ khác, bà nhắc đến con với tất cả niềm yêu thương và thương tiếc. Nỗi đau làm câu chuyện rời rạc, không đầu không cuối, xen lẫn những dòng nước mắt. Bà kể, gia đình bà nghèo lắm, làm chài lưới, cái nghề quanh năm lênh đênh trên mặt nước, hứng chịu nhiều gió sương mà cái ăn cũng chênh vênh, bữa no bữa đói. H. là con út trong nhà, học hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ, thời gian sau thì đi làm công nhân tại công ty may Huy Hoàng (thôn 2, huyện Duy Vinh), mỗi tháng lương được từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Dù đã trưởng thành và là lao động chính trong gia đình nhưng H. rất tằn tiện, tiền lương kiếm được mỗi tháng H. đều đưa mẹ cất giữ.
Đi làm ở xí nghiệp nhưng những lúc rảnh rỗi, H. đều tranh thủ mò cua bắt ốc ven sông bán để kiếm thêm thu nhập gia đình. Cả mấy miệng ăn trong gia đình gần như trông cậy cả vào đồng lương ít ỏi của H.. Cuộc sống chật vật trôi đi, nhịn ăn nhịn uống bà Lâm mới tích được ít vốn, năm 2011 gia đình xây cất được căn nhà nhỏ. Thế nhưng, ngôi nhà mới chưa được bao lâu thì người con trai thân yêu của bà không còn nữa. Bà bảo: "Nó đã xây nhà mới cho cha mẹ nhưng khi nhà còn thơm mùi vữa cháu nó đã vĩnh viễn ra đi. Không vì con cái, vợ chồng tui cũng chẳng chạy vạy, nợ nần để xây nhà làm chi".
Tòa án cũng đã mở phiên sơ thẩm xét xử, con bà đã mất được hơn tám tháng, ấy vậy mà nhiều lúc bà vẫn không tin đó là sự thật. Bà luôn miệng bảo: "Con tôi chết vô lý quá, nó với thằng đó (bị cáo Lê Hữu Lâm) đâu có mâu thuẫn gì, cũng như không hề quen biết". Không riêng gì bà, mà nhiều người dự khán đều có chung suy nghĩ đó. Bị cáo và nạn nhân đều không phải là những người có mâu thuẫn chính trong vụ ẩu đả dẫn đến án mạng. Bị cáo là người can ngăn cuộc ẩu đả xảy ra trước đó, còn nạn nhân là người đến xem mà thôi, vậy mà đã xảy ra bi kịch đau lòng.
Trên khuôn mặt hằn nỗi đau mất con, bà Lem nhớ lại: Vào khoảng 17h ngày 8/8/2012, H. xin phép mẹ đi dự sinh nhật một người bạn. H. còn xin bà 50 ngàn để đi mua quà, vì món quà đến 70 ngàn mà H. chỉ có 20 ngàn. Sau khi bà đưa tiền, H. lấy xe máy đi mua quà. Theo như H. nói, đi mua quà xong H. sẽ đến đám cưới của Võ Ngọc Trinh và Lê Thị Minh Thịnh tại khu Xóm Mới để đưa xe cho anh trai là Trần Văn Ta (SN 1992). Vì cả nhà bà chỉ có một chiếc xe máy nên phải thay nhau sử dụng. Khi H. đến đám cưới thì thấy các thanh niên trong thôn Hà Thuận và thôn Trà Đông đánh nhau. Vì tò mò, H. chen vào để tận mục sở thị trận hỗn chiến. Trời nhá nhem tối, bị cáo Lý Hữu Lâm (SN 1993, thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh) hai tay cầm hai chai nước khoáng đã bị bể, trong lúc ẩu đả đã "đi" một đường ngang cổ H. trúng ngay mạch máu làm H. ngã gục. Gia đình, bạn bè đưa H. đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Điện Bàn nhưng nạn nhân không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Nam cho thấy, vết thương đã gây đứt bán phần cơ ức đòn chủm và cơ cạnh sống cổ gây tử vong.
Nỗi đau chưa nguôi của cha mẹ nạn nhân Trần Văn H..
Nỗi đau của mẹ bị cáo
Cũng trong phiên tòa, bà Nguyễn Thị Tại (SN 1965), mẹ bị cáo tiều tụy, nước mắt ngắn dài khi nhìn con đứng trước vành móng ngựa. Dù con đã 20 tuổi, nhưng người mẹ vẫn xem con mình là trẻ con, bồng bột. Mà trong vụ án này, đứa con ấy quả là trẻ con và nông nổi. Cũng chỉ bởi tính thích làm "anh hùng" nên mới ra cơ sự đau lòng. Hôm ấy, trong tiệc cưới tại Xóm Mới, Lý Hữu Nam (SN 1991, thôn Hà Thuận), anh họ của bị cáo ném chén trúng vào Trần Quốc Bình (SN 1993, thôn Trà Đông) nên nhóm của Bình đã đánh nhóm của Nam. Thấy anh họ bị đánh, bị cáo đã chạy đến can ngăn.
Tuy nhiên, nhóm của Bình không những không dừng việc đánh Nam mà còn quay sang đánh bị cáo. Bực tức, bị cáo chạy vào khu vực rạp cưới lấy hai vỏ chai chạy ra "giải cứu" anh họ. Tay trái cầm vỏ chai Pepsi, tay phải cầm vỏ chai nước khoáng Đảnh Thạnh, bị cáo xông thẳng đánh vào đầu Bình. Khi vỏ chai bị vỡ, bị cáo tiếp tục dùng phần cổ vỏ chai đã bị vỡ đánh vào ngực, tay, lưng của Bình. Nhóm bạn của Bình liền xông vào tấn công bị cáo.
Thấy đối phương đông người, bị cáo lùi dần về phía sau, trong tay vẫn cầm hai vỏ chai vung về phía trước. Trong lúc lý trí bị bia rượu khống chế và thời điểm trời chập choạng tối, bị cáo chỉ biết vung tay đâm loạn xạ về phía đối phương. Và trong những cái vung tay ấy, bị cáo đã vô tình gây ra cái chết oan nghiệt của một người không hề quen biết. Tại phiên tòa xét xử, bị cáo đã thành thật nhận lỗi về mình, không oán trách, không biện minh và chấp nhận số tiền mà gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường. Những người dự khán có chăng chỉ có thể trách cứ tính hiếu thắng, sự hung hãn và quá lạm dụng bia rượu khiến bị cáo không thể làm chủ bản thân.
Chúng tôi đến nhà bị cáo Lý Hữu Lâm sau khi phiên tòa kết thúc. Trưa miền Trung nắng cháy khiến căn nhà thêm trống vắng và cô quạnh. Sự mệt mỏi, đau khổ và những ngày tháng mất ăn, mất ngủ hiện rõ trên khuôn mặt gầy gò của cha mẹ bị cáo. Gia đình bị cáo cũng chẳng khấm khá gì, với nghề cùng cực quanh năm làm phu hồ. Đối với mẹ bị cáo, thân phận đàn bà yếu mềm mà phải lăn lộn với nghề phụ hồ thì vất vả không thể nào kể xiết. Sự khốn cùng của gia đình bà thể hiện rõ ở ngôi nhà xây đã cũ nát, đến cặp cửa cũng chẳng có tiền đóng. Gia đình cho biết khi vụ việc xảy ra, vợ chồng bà đã chạy vạy khắp nơi vay mượn được số tiền 47 triệu đồng để đưa cho gia đình nạn nhân.
Theo phán quyết của Tòa án, gia đình bà còn phải bồi thường thêm 78 triệu đồng nữa. Bà bảo, đó là con số quá lớn mà vợ chồng bà chưa nghĩ cách nào có được. Tuy nhiên, bà cũng động viên con cố gắng vượt qua những ngày tháng sắp tới, chấp hành án tốt và về làm lại cuộc đời.
Trước khi chia tay với hai người mẹ đau khổ này, chúng tôi đã gặp gỡ một số người dân địa phương. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì tình trạng mâu thuẫn giữa thanh niên các thôn và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả khó lường. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa các nhóm thanh niên, việc hòa giải là rất khó và việc "giải vây" hay "trả thù" cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dù thế nào thì hành động của Lý Hữu Lâm cũng đáng lên án và bị pháp luật trừng trị. Đó là bài học đắng cay cho những phút sai lầm có thể trả giá đắt.
Ngày 4/4 TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động và tuyên phạt chín năm tù đối với Lý Hữu Lâm về tội "giết người", buộc Lý Hữu Lâm bồi thường cho gia đình bị hại 125 triệu đồng. |
Văn Hoàng- Kỳ Anh