Nói chung, dư luận hầu như nghiêng về phía chỉ trích cô Mị, rằng cái “Để Mị nói cho mà nghe” trong cuộc họp báo ấy của cô thực sự rất khó nghe, nó thể hiện một thái độ trịch thượng, ngạo mạn, xấc láo, thiếu tôn trọng khán giả, v.v và v.v...
Tôi không có gì để phản đối sự chỉ trích này, nhưng vẫn muốn nhìn nó ở góc độ khác hơn là một phê phán về đạo lý hay cung cách xử thế của người nghệ sĩ. Rằng: Đó là cái giá mà Hoàng Thùy Linh phải trả cho sự nổi tiếng.
Sự nổi tiếng là cái đích mà tuyệt đại đa số những đứa con của showbiz đều hướng tới, nỗ lực để chiếm lĩnh và duy trì càng bền bỉ càng tốt. Bởi nó là danh vọng sự nghiệp và nó mang tiền bạc đến cho người showbiz. Nhưng đồng thời, điều này có lẽ nhiều người cũng tự ý thức: sự nổi tiếng chính là cái "gông cùm" mà người của làng giải trí phải bảo vệ cho bằng được, phải đánh đổi cái bản ngã tự do và đầy đủ của mình để không biến sự nổi tiếng thành tai tiếng, để “luôn được khán giả thương”, như một cách nói đã trở thành quen thuộc với giới nghệ sĩ. Hay diễn đạt theo cách khác, phải biết sống với nhiều mặt nạ nhân cách, phải biết diễn nhiều vai diễn trong cuộc đời trước một đối tượng khán giả đông đảo và rất không ưa sự thách thức – dù là cố ý hay hồn nhiên - từ những cá tính nghệ sĩ độc lập.
Có lẽ Hoàng Thùy Linh đã không biết, hoặc không ý thức đầy đủ về điều này, và bởi thế cô đã không làm được cái mà khá nhiều nghệ sĩ thực hiện rất tốt: bảo vệ cái "gông cùm" nổi tiếng của mình, giữ gìn hình ảnh một người showbiz “dễ thương” trong mắt công chúng. Điều công chúng cần không phải là khả năng “hát sống” của Hoàng Thùy Linh – vì hầu như ai cũng biết cô chủ yếu là một ca sĩ phòng thu, và đặt câu hỏi về khả năng “hát sống” với một ca sĩ phòng thu trong cuộc họp báo thì chẳng khác nào "vỗ mặt" đương sự - mà họ cần là cần cô thể hiện một diện mạo ngoan hiền, thành thực, có thể dí dỏm hài hước được thì càng tốt, cho dẫu có phải giả dối để làm được như thế.
Hãy nhìn rộng hơn, “bộ quy tắc ứng xử” nào đấy mà người ta đặt ra để các nghệ sĩ và những người nổi tiếng trong làng giải trí phải tuân theo, chính là sự lề luật hóa góp phần dung dưỡng cho thói giả dối này. Và đó cũng là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng.
Anh có thể không chấp nhận sự trả giá này, nhưng với một trong hai điều kiện. Thứ nhất: là một tài năng thực sự và có một niềm đam mê lớn với công việc của mình, tài năng và đam mê ở mức coi thường mọi sóng gió có thể ập đến bất kỳ. “Được mất dương dương người Tái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong”, như cụ thượng Nguyễn Công Trứ. Hoặc thứ hai: rút thân khỏi cái gông cùm nổi tiếng, như minh tinh màn bạc lừng lẫy thế giới Greta Garbo đã làm, một lần cho mãi mãi, khi bà mới ở tuổi ngoài 30. Cả hai khả năng này Hoàng Thùy Linh đều không thực hiện được, theo tôi là cô không đủ năng lực để thực hiện. Nên mới dẫn đến một màn “xin lỗi khán giả” tội nghiệp không kém màn “xin lỗi khán giả” mà cô diễn viên của chương trình “Nhật ký Vàng Anh” cùng ê-kíp VTV3 đã làm cách nay vài chục năm.
Thực lòng mà nói, cái “lỗi” mà ca sỹ Hoàng Thùy Linh đã mắc phải trong cuộc họp báo tai tiếng nọ, là cái lỗi ứng xử không hợp cách trong một thế giới bất toàn. Phần nào đó có thể đồng ý với nhà tâm lý học người Đức Eric Fromm khi ông nhận định trong công trình “Đào thoát tự do” (Escape of freedom). Rằng, những người bị coi là điên, khùng, cuồng, ngộ v.v..., trừ một số là do bệnh lý về thần kinh, kiểu tâm thần phân lập, còn lại thì họ chẳng qua là không hợp cách với những lối suy nghĩ và ứng xử được coi là tiêu chuẩn đang phổ biến trong xã hội mà thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.