Nhiều thách thức trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Chiều 16/10, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024, TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, giai đoạn kể từ năm 2021 đến nay, Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa.
"Mặc dù vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chữa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh", bà Minh nhận định.
Từ phía góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ Group nhấn mạnh: "Cái giá phải trả cho việc chậm chuyển, chưa kịp chuyển đổi kép là rất lớn. Thế giới đang thay đổi nhanh, chẳng bao lâu nữa tiêu chí xanh sẽ trở thành điều bình thường mới với người tiêu dùng.
Đồng thời, công cụ chuyển đổi số tồn tại trong môi trường doanh nghiệp như bầu khí quyển. Việc các doanh nghiệp gác lại, chưa bắt tay vào chuyển đổi sẽ là khó khăn trong tương lai khi tiếp cận xu hướng toàn cầu".
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam trong mọi ngành nghề muốn chuyển đổi kép đều là thử thách. Đặc biệt, khó khăn ấy càng khuếch đại nhiều lần đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu tố tài chính còn hạn chế trong khi chi phí chuyển đổi số kép không hề nhỏ.
Trong hành trình chuyển đổi kép, doanh nghiệp không chỉ khó khăn về tài chính, doanh nghiệp đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực giàu kỹ năng, bản lĩnh để nắm bắt, làm chủ công nghệ - nhiều công nghệ thuê nhân lực nước ngoài đảm nhiệm nhân sự chủ chốt từ trung đến cao cấp, tạo ra hiệu quả nhanh hơn.
Ngoài ra còn là khó khăn về bài toán tiêu thụ. Sản phẩm đã xanh khó, tiêu thụ sản phẩm xanh lại càng khó. Việc đầu tư cho công nghệ, chi phí sản xuất đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho các khoản chênh lệch này.
Cuối cùng là khó khăn về chính sách tài chính. Hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động, triển khai các gói hỗ trợ tài chính trọng yếu tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thực tế triển khai tín dụng xanh còn nhiều rào cản, chưa có khung pháp lý rõ ràng, cụ thể. Quy định, thẩm định vẫn còn phức tạp. Đặc biệt chưa có tiêu chí cụ thể, minh bạch xác định tính xanh của dự án.
Chính vì thế, doanh nghiệp rất cần tổ chức tín dụng hỗ trợ thiết kế gói tài chính xanh phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo ổn định tài chính lâu dài.
Đề xuất thành lập quỹ chuyển đổi xanh khuyến khích doanh nghiệp phát triển
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong kỷ nguyên xanh, số toàn cầu như hiện nay, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều đầu tư vào hạ tầng xanh, nhân lực xanh, tài chính xanh.
Tuy nhiên, trong quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020, chỉ có 2% nền kinh tế là xanh và hiện nay là từ 4- 4,5%, tương đương tốc độ tăng trưởng từ 12-14%.
Nền kinh tế xanh của Việt Nam đang ở mức trung vị của thế giới. Với xuất phát điểm thấp, trong thời gian tới, để có thể chuyển đổi xanh chuyển đổi số hiệu quả, cần tập trung vào 3 yêu cầu là tài chính xanh, công nghệ xanh và nâng cao năng lực xanh.
Đặc biệt, đầu tư nhân lực xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chỉ riêng việc liên quan đến kiểm kê carbon, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp trong việc kiểm kê, báo cáo và xác nhận carbon là nội dung quan trọng, tốn kém nhiều chi phí.
Đồng quan điểm với ông Thọ, bà Trần Thuý Ngọc - Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển chuyển đổi xanh và số, nhờ vào nguồn năng lượng, tri thức trẻ, tri thức số, nhưng số lượng làm cho doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều.
Chính vì vậy, việc thu hút nhân sự về doanh nghiệp trong nước là điều cần thiết. Việt Nam có thể tận dụng khoa học kỹ thuật, sáng kiến của thế giới để áp dụng ngay cho doanh nghiệp, nhưng vẫn cần tự xây dựng và tạo ra công nghệ cốt lõi, làm chủ công nghệ, để tránh phụ thuộc, tránh tốn kém chi phí.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Thọ, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư rất lớn chuyển đổi xanh nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được xanh.
Chính vì vậy, Chính phủ, các định chế tài chính, tổ chức quốc tế cần đầu tư vào hạ tầng xanh để giúp Việt Nam cải thiện hoạt động, tăng cường năng lực doanh nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động liên kết lại, nếu không chủ sẽ khó có đủ tài chính để chuyển đổi xanh.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, trong ngắn hạn, để quá trình chuyển đổi xanh diễn ra hiệu quả, cần có danh mục phân loại xanh, từ đó mới có tài chính xanh, tín dụng xanh…
Ngoài ra, cần có có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cũng như cần khơi thông khơi thông về mặt thể chế, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho doanh nghiệp.
Về lâu dài, cần sớm thành lập Uỷ ban năng suất quốc gia. Đồng thời, ông Lực bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ sớm thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số để phát triển nền tảng số tốt hơn.
Ngoài ra, cần thành lập quỹ chuyển đổi xanh để hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế chính khuyến khích các lĩnh vực xanh phát triển.