Ngay cả người dẫn đường, không phải một “tour guide” mà là một cán bộ từng đi lại nhiều lần trên con đường đó thời chiến tranh, cũng ngỡ ngàng, không chắc chỗ mình đang đi có phải là con đường từng vang danh thế giới.
Rừng núi đột ngột im phắc khi bóng tối ập xuống. Người dẫn đường bảo tôi có gì cứ ở yên trên xe, cúi rạp người xuống nếu nghe súng nổ. Ông ta cầm khẩu súng ở tư thể sẵng sàng nhả đạn, hướng mũi súng vào bóng tối mà chiếc xe lao vào. Xe này là một loại xe Liên xô, nghe tài xế gọi là u-oát, giống cái xe jeep Mỹ. Ngồi giữa người cầm lái và người dẫn đường là anh bạn nhiếp ảnh gia, tôi và hai nhà văn khác ngồi ở băng ghế sau. Chúng tôi được tham gia chuyến đi đường mòn Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho số báo Tuổi Trẻ kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh.
Hồi hộp, căng thẳng, gan mật lộn tùng phèo vì dằn xóc suốt một thời gian dài tưởng như vô tận. Cuối cùng, người dẫn đường bảo chúng tôi thở phào được rồi đấy. Xe đã tới đồn biên phòng Sa Thầy. Bằng cách nào tôi không biết, hôm sau có một người dân tộc đến chào khách và đón chúng tôi về buôn của ông. Lúc bám theo bước chân ông dẫm trên cỏ gai lá mục tôi hỏi ông luôn miệng như đứa trẻ con thấy gì cũng lạ.
Tôi không chắc ông hiểu câu hỏi của tôi, người nói giọng miền Đông Nam bộ, cũng giống như tôi đâu có dễ gì nghe ra giọng nói trài trại của ông. Nhưng trong sổ tay của tôi ngày đó có ghi mấy câu hỏi đáp này: “Hỏi: Đường nào là đường mòn Hồ Chí Minh? Đáp: Đường nào đi đánh Mỹ là đường mòn Hồ Chí Minh”, “Hỏi: Sao phải băng rừng như vầy? Không có đường về buôn sao? Đáp: Không cần đường. Đi cách nào cũng về được nhà.”
Khi qui hoạch một thành phố, người ta kẻ đường rồi mới vẽ nhà. Ở nơi dân tự xây nhà trước, thì sau đó cũng phải làm đường. Lớn lên nơi đô thị tôi đã đinh ninh có nhà phải có đường, dù đường lớn hay đường hẻm. Chẳng phải nhà nào cũng có địa chỉ ghi rõ nhà số mấy ở đường gì đó ư? Tôi không thể hiểu sao có thể có nhà ở nơi không có đường đi tới, và sao người ta có thể sống ở một nơi mà từ đó không có đường đi đâu cả.
Tôi những tưởng mọi con đường đều từ nhà mà khởi đi, và một con đường có thể đi tới bất cứ đâu, hoặc không tới đâu, nhưng đều phải dẫn về một ngôi nhà. Ngay cả cái am/ cốc/ tịnh thất chơ vơ trên núi, nơi người ta lánh tục tránh đời, cũng có đường. (Bởi vì có lần trèo leo trên lưng núi Lớn và núi Nhỏ ở Vũng Tàu tôi đã gặp những con đường, có cả bậc thang nhân tạo, dẫn tới những chốn tu hành.)
Ngôi nhà giữa núi rừng mà tôi được dẫn tới được xây bằng tre nứa, có thể có một số vật liệu bất ngờ khác, nhưng tôi không làm một chuyên khảo về xây dựng trong chuyến đi đó, nên chỉ chú ý mấy chi tiết này về ngôi nhà: Nhà sàn thấp, có thể bám vào một cột tre đu lên sàn. Giữa nhà có một đống lửa đang cháy, có lẽ là cái bếp. Phía trên bếp lửa có một cái giàn tre, để mấy vật dụng cũng bằng tre, có mấy trái bắp khô quắt, mấy củ khoai mì cũng khô queo, và thịt sấy đen thui của con gì đó nhỏ nhỏ, còn đủ đầu và bốn chân căng bạnh ra.
Có hai phụ nữ và ba đứa trẻ ngồi chồm hỗm quanh bếp lửa, cái giàn bếp chỉ cao hơn đầu những người ngồi một chút. Người đàn bà có vẻ già nhứt nhìn chúng tôi đột ngột xuất hiện, không nói không rằng, chỉ hơi nhỗm người với tay rút mấy trái bắp khô liệng lên đống lửa. Người đàn ông đã dẫn chúng tôi về nhà đi thẳng tới giàn bếp, gỡ xâu thịt khô xuống, cũng liệng lên bếp lửa.
Hồi ấy miếng ăn còn khan hiếm, đoàn chúng tôi phải chuẩn bị sẵn lương thực, đi tới đâu thì gởi gạo cho bếp tập thể của đơn vị đón tiếp nấu giùm, hay trao đổi sao đó, do trưởng đoàn linh động giải quyết, tôi không rõ lắm. Nhưng lương thực đều để trên xe đậu lại ở đồn biên phòng. Không ai tính là sẽ đi vô buôn có thể mất cả ngày cần mang theo cái dằn bụng. Không ai có kinh nghiệm là đi bộ trong cái lạnh của núi rừng mệt và đói như thế nào.
Tôi không chờ đợi được thết đãi. Nhưng hình như tôi đã sà ngay đến bếp lửa, sưởi ké hơi ấm của người chung quanh. Rõ ràng tôi đã hít hửi mùi bắp nướng và thịt khô nướng trong làn khói bốc lên mờ mịt cái giàn bếp. Có lẽ tôi có áy náy hoặc lo ngại khi ngó lên cái giàn bếp đã vơi đi thấy rõ.
Sau chuyến đi tôi có viết loáng thoáng trong một hai bài ký về cái nhà mà cái bếp và cái giàn bếp chiếm vị trí ngay chính giữa nhà, lửa trong bếp luôn cháy, và người ta nhường cho khách vị trí gần lửa nhứt khi ngọn gió núi luồn qua kẻ vách bằng tre đan thưa thớt. Trọng tâm mấy bài viết đó đại khái về những điều to tát như chiến tranh, hòa bình, đất nước, chủ nghĩa anh hùng, v.v.. Và cuộc sống đô thị với những đề tài sôi động khác phủ lấp nhiều tầng lớp lên ký ức một chuyến đi dọc (một đoạn ngắn) dãy Trường Sơn.
Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi chợt nhớ hình ảnh cái giàn bếp giữa ngôi nhà sàn ấy. Tôi không nhớ ngôi nhà còn có cái gì khác, hình như không giường ghế bàn tủ gì cả, chỉ vỏn vẹn cái giàn bếp, và tất cả “tài sản” là những cái để trên giàn bếp.
Như vậy là hoang sơ? Nghèo nàn? Không.
Từ đó đến nay tôi có dịp đi đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Một lần giữa mùa Đông bắc Mỹ tôi bị kẹt giữa rừng vì bão tuyết. Những người đồng hành lôi được tôi (đã bị tê cóng) đến một căn nhà nhỏ.
Trong nhà không có ai cả, và không có gì khác ngoài một cái bếp kiêm lò sưởi. Một đống củi để sẵn. Bên trên cái bếp có một cái kệ để một hộp diêm quẹt, một số thực phẩm đóng hộp và một bình nước tinh khiết. Lửa được đốt lên, đồ hộp được khui ra, nước được đun nóng. Tôi tỉnh lại nhìn quanh. Một ngôi nhà gỗ rất nhỏ, chỉ có cái giàn bếp (cái kệ) và tất cả “tài sản” là những thứ để trên kệ.
Cơn bão qua, những người cứu hộ đến, mang theo nước uống và thực phẩm. Trước khi ra đi trong an toàn, những người đồng hành của tôi đi gom củi quanh nhà chất lại một đống bên bếp, để lại trên giàn bếp những thực phẩm lâu hư và nước tinh khiết đóng chai.
Tôi hỏi nhà này của ai. Câu trả lời mơ hồ như vầy: “Một người rất văn minh và giàu có.”
Nhà văn Lý Lan