Mỗi một thầy, cô giáo trong suốt quãng đời học trò, cũng như sau này là sinh viên, đi làm, rồi lại đi học tiếp… đều để lại những dấu ấn sâu nặng trong tôi.
Trong những thầy, cô đó, tôi đặc biệt mang ơn một người thầy. Thầy không phải là người dạy tôi ở trường, mà là thầy dạy tôi ở một lớp học ôn thi vào đại học.
Ngày đó, trong niềm khao khát đỗ đạt, tôi cũng như bao bạn bè cùng trang lứa lao vào học ngày, học đêm với hoài bão cháy bỏng.
Ngoài những buổi học tại trường, các lớp luyện thi được mở ra và chiêu sinh rất hấp dẫn.
Lúc đó, trải qua biến cố của thời cuộc và chuyện riêng của gia đình, quyết định đến lớp học ôn với tôi vô cùng khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tiền đóng học phí.
Chính vì lý do đó, khi biết có lớp học này, tôi đã lân la đến tìm hiểu rất nhiều lần, rồi lại ra về trong suy nghĩ mông lung và một nỗi buồn riêng. Ngẫm lại bây giờ tôi vẫn cay cay khóe mắt.
Sau nhiều lần thuyết phục người thân, tự đấu tranh tư tưởng giữa bộn bề gian khó, tôi đến đăng ký, khi người quản lý ở đây đã chốt danh sách.
Ngày đầu đến lớp học được bố trí trên tầng hai, tôi choáng ngợp bởi tất cả các dãy bàn ghế đều đã kín người.
Để tận dụng tối đa khoảng không gian chật hẹp, họ đã kê ở phía cuối lớp, cũng là phía hướng ra ban-công của tầng hai thêm một cái bàn nhỏ.
Tôi lặng lẽ tiến về chiếc bàn đó, ngồi xuống ghế, giữ yên lặng cho đến khi thầy giáo bước vào lớp và giới thiệu, thầy tên là Hạnh.
Những buổi học dần trôi qua, cái bàn nhỏ cuối lớp sát ban-công với tôi như một thế giới riêng.
Ngoài những lúc im phăng phắc lắng nghe như nuốt trọn từng lời giảng của thầy, tôi lại lơ đãng nhìn ra phía sau, ngắm dàn hoa giấy và suy nghĩ miên man.
Giờ nghỉ giải lao bao giờ cũng ồn ào, ngược lại, phía cuối lớp sát ban-công như một góc khuất của riêng tôi.
Tuy nhiên, vì thế, đã có lúc bất chợt tôi thấy tủi thân mà muốn bỏ lớp học này. Ở tuổi mới lớn, cảm giác “cô đơn giữa một biển người”, thật không tài nào chịu nổi.
Đúng lúc sự đấu tranh tư tưởng lên đến đỉnh điểm là sẽ từ bỏ, thì thầy Hạnh đã làm một việc khiến tôi lặng người vì xúc động.
Hôm đó, khi nghỉ giải lao giữa buổi học Văn sâu lắng, thầy Hạnh mang trong cặp ra một gói kẹo đưa cho các bạn chia nhau. Lớp học rôm rả như hội chợ, ai nấy đều vui vẻ nói cười và ăn kẹo.
Ở phía cuối lớp tôi vẫn ngồi im lặng. Có lẽ cũng không ai quan tâm, để ý đến người cứ âm thầm đến, lủi thủi về như tôi. Vì thế, như thể kẹo của thầy không phải để chia cho tôi.
Khi cuộc vui sắp tàn, cả lớp yên vị để buổi học tiếp tục, tôi bỗng thấy thầy Hạnh từ từ đứng dạy, trên tay thầy cầm chiếc kẹo và tiến về cuối lớp. Bước sát đến trước mặt tôi, thầy từ tốn nói, em ăn kẹo đi rồi học tiếp.
Tôi như vỡ òa trong cảm xúc bởi sự bất ngờ tột cùng về sự quan tâm tinh tế và ấm áp tình người của thầy dành cho tôi. Tôi chỉ biết lí nhí nói lời cảm ơn thầy.
Khi thầy quay lên, tôi đã gục xuống bàn và khóc.
Dường như thầy cũng biết tôi xúc động mạnh, nên khi thầy quay lên tiếp tục giảng bài, thi thoảng thầy lại đưa ánh mắt hiền từ về phía cái bàn nhỏ, nơi tôi ngồi mà nước mắt cứ tuôn trào.
Các bạn trong lớp học truyền lửa đam mê và khát vọng ngày ấy đã không biết rằng, hôm đó, có một người vừa ăn kẹo vừa rơi lệ.
Con người ta có lúc phải chạy trốn hiện tại, thậm chí chạy trốn cả tương lai, nhưng không thể nào chạy trốn được quá khứ.
Mỗi thầy, cô giáo đều để lại trong tôi lòng biết ơn và tri ân sâu sắc.
Hôm nay, viết ra những dòng này, tôi vẫn tâm niệm, mỗi thầy, cô giáo đều có ân nghĩa với mình.
Trong đó, nhờ kỷ niệm và động lực từ cái kẹo của thầy Hạnh đã giúp tôi vượt qua những khốn khó, khổ tâm cả về vật chất lẫn tinh thần những ngày ấy và mãi về sau này.
Bao năm qua, nó vẫn như một ngọn lửa cháy ở trong tim tôi.
Ngọc Diệp