Vinh quang và cay đắng
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép về kết cục của Trâu Canh rất vắn tắt như sau: "Dòng dõi của Canh đến triều nay còn có người là Trâu Bảo, được của do Trâu Canh cất giữ trở nên giàu có, nhưng cũng vì thế mà trở nên lụn bại".
Mặc dù vậy, trong truyền thuyết dân gian ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội lại chép khá tỉ mỉ về sự kiện này. Chuyện kể rằng, sau khi được thầy Tàu chỉ cho ngôi huyệt tốt ở gần tảng đá có hình con cóc tía (hiện nay vẫn nằm ở trên đỉnh núi Tử Trầm, tại xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội), ông có dặn Trâu Canh rằng: "Chỗ đất này rất đẹp, nếu Trâu Canh làm nhà ở thì tất sẽ giàu sang. Tuy nhiên, sau này khi đã giàu sang, thành danh và được gần vua chúa rồi, thì phải dời nhà đi chỗ khác ngay. Không nên ở lại nơi đây dù chỉ một ngày, nếu không, Trâu Canh sẽ tự chuốc vạ vào mình".
Trâu Canh hiện nay được thờ trong chùa Trầm.
Trâu Canh làm theo lời thầy Tàu, dựng một căn nhà tranh ở phía dưới tảng đá hình cóc tía để ở. Sau ba năm, quả nhiên nhờ thành tích chữa bệnh liệt dương cho vua Trần Dụ Tông mà ông thăng quan tiến chức rất nhanh. Sau khi thành đạt rồi, Trâu Canh lại quên mất lời dặn của thầy địa lý năm nào, không dời nhà đi chỗ khác. Sau đó xảy ra việc con "thần y" thông dâm với cung nữ. Chính sử chép, chính "thần y" cũng thông dâm với cung nữ. Việc bị lộ nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông nghĩ "thần y" có công nên tha chết, đuổi về quê, gia tư, điền sản bị tịch thu hết. "Thần y" lại bị đói rét như trước. Xét việc này thì lời của thầy Tàu quả là ứng nghiệm.
Trong dân gian còn tương truyền rằng, chỗ nhà ông ở phía trước có mấy mẫu ruộng cao hình giống như chiếc bàn dao cắt thuốc, cho nên chủ nhân nổi tiếng về nghề y. Núi Tử Trầm trước kia vốn có nhiều cây thuốc quý, Trâu Canh lại biết y thuật, nên hàng ngày hay lên núi hái thuốc chữa bệnh cứu người. Núi này được các nhà phong thủy chú ý, thế núi ôm nhau tất sinh người tài. Khi Trâu Canh chữa khỏi bệnh cho vua Trần Dụ Tông, được vua ban cho nhiều đất quanh khu vực núi Tử Trầm.
Sau khi mắc tội, ông bị đuổi về làng và lại trắng tay. Các cụ xưa đồn rằng, sở dĩ có chuyện như vậy là do nhà ở cạnh núi, mỗi khi mặt trăng tà chiếu, bóng núi đổ xuống trông như con cóc ở trên nóc nhà, còn người thì như đang ngồi tại cung trăng nên được gần vua chúa, ra vào nơi cung cấm. Tuy nhiên sau khi đã được gần vua chúa, Trâu Canh lại không chịu dời nhà đi chỗ khác. Nhà ông ở cạnh núi, địa thế bức bách, phía trước lại hướng về kiếp sơn (có lẽ là một hướng xấu theo quan niệm của phong thủy), đi lại vô định, cho nên giàu sang không được lâu.
Hiện trong bộ sử Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ chép là Trâu Canh được phục chức nhưng lại không ghi rõ cụ thể. Tuy nhiên cứ theo sự kiện được chép lại trong đó và các truyền thuyết dân gian kể lại thì lúc cuối đời, Trâu Canh phải sống cuộc sống bần hàn như xưa, gia đình nghèo túng. Dân gian thì cho rằng đây là hậu quả những gì mà Trâu Canh đã gây ra trước đó, khiến cho "đời cha ăn mặn, đời con khát nước".
Còn các sử gia phong kiến thì vạch ra một loạt tội của ông như là: Thầy thuốc mà không có y đức, là thần tử mà dám thông dâm với cung nữ, xui vua loạn luân với chị gái... Trong khi ngày nay, các học giả cũng rất "dị ứng" với ông. Tuy thế, xét về vai trò cũng như bối cảnh thời đại ông sống, ông có đáng nhận được những lời phê phán nặng như vậy không?
Chân núi dưới tảng đá hình con cóc tía, có thể là nơi Trâu Canh dựng nhà ngày xưa.
Công lớn nhất là gì, tội lớn nhất ở đâu?
Khó có thể đánh giá cao vai trò của Trâu Canh với nhà Trần "Nhà Trần bước vào thời kỳ suy thoái từ khi Trần Dụ Tông bắt đầu ăn chơi trác táng, bỏ bê chính sự, làm cho đất nước suy vi. Việc ông vua này bê tha không thể đổ lỗi cho Trâu Canh, nhưng trong chừng mực có thể thấy rằng, đó là một phần hệ quả của sự "bất trắc" trong cuộc sống và tác động tâm lý từ cách điều trị "quái đản" của Trâu Canh. Do đó, khó có thể đánh giá cao vai trò và vị thế của Trâu Canh đối với nhà Trần hay xã hội thời Trần nói chung, trong lĩnh vực y thuật nói riêng (có thể Dụ Tông đã khắc phục được tình trạng liệt dương nhưng vẫn vô sinh, không có con nối dõi tông đường)" - TS. Trần Thuận nhận định. |
TS. Trần Thuận (Phó trưởng khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) nhận định về hành vi xúi vua loạn luân với chị như sau: "Nhà Trần vốn chủ trương hôn nhân nội tộc. Bằng chứng là Trần Thủ Độ lấy chị gái con bác ruột là Trần Thị Dung, Trần Quốc Tuấn lấy cô ruột là công chúa Thiên Thành... Vì vậy, việc Trần Dụ Tông thông dâm với chị gái là điều không đáng để lên án. Có lẽ thầy thuốc Trâu Canh đã dựa vào thực tế đó mới dám cả gan "hiến kế" cho nhà vua mà không sợ mang tội khi quân". Trong khi đó, hành động thông dâm với cung nữ của Trâu Canh cũng được TS. Trần Thuận bảo vệ.
Ông nói: "Việc Trâu Canh thông dâm với cung nữ không phải là tội lớn. Ta biết rằng, Trần Khánh Dư bị đuổi về quê và trở thành anh chàng bán than là vì thông dâm với con dâu của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng rồi vì Trần Khánh Dư có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông nên vẫn được tôn vinh. So với việc cứu sống nhà vua thì tội của ông không đáng chết và thực tế Thượng hoàng Trần Minh Tông cũng đã tha chết cho ông, nhất là lúc đó ông đã là một bậc đại quan trong triều".
Có lẽ Trâu Canh bị người đời quên lãng là do vấn đề y đức của ông. Bài thuốc chữa bệnh liệt dương của ông được đánh giá là "quá tàn ác và thất đức". Điều này thì các sử gia đương thời cũng rất khó lòng chấp nhận. TS. Trần Thuận phân tích: "Theo tôi, tội lớn nhất của ông là tội "giết người" trong khi ông là một thầy thuốc. Trâu Canh đã dùng tài năng của mình để cứu được hoàng tử Hạo (vua Trần Dụ Tông sau này) khỏi chết đuối rồi lại cứu vị hoàng tử này (khi đã là vua Trần Dụ Tông) khỏi bệnh liệt dương. Quả thật, ông là một thầy thuốc giỏi và có công lớn với vua, với đời. Song, để chữa bệnh cho vua mà phải giết một đứa bé, một nhân mạng thì không thể chấp nhận được, cho dù đứng ở góc độ nào. Cần nói thêm rằng, để củng cố vương triều, người ta có thể giết chết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mạng người, nhưng với một thầy thuốc chân chính thì không thể, cho dù chỉ một sinh mạng. Phải chăng, trong trường hợp này, Trâu Canh muốn tạo ra một tác động tâm lý "quái đản" đầy tính "ma thuật" để tăng cường niềm tin đối với hoàng tộc nhà Trần. Nếu quả thật như vậy thì Trâu Canh đã thắng về cả y học lẫn chính trị".
Trầm ưu hậu thế
Chúng tôi có tìm về núi Tử Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để tìm hiểu thêm về cuộc đời của vị "thần y" này. Có thể thấy rằng, người dân ở quanh khu vực này đều biết đến thầy thuốc Trâu Canh. Bà Nguyễn Thị Dư, bán nước ở trước cổng chùa Trầm cho biết: "Chúng tôi gọi ông là Trâu Công Canh, là một thầy thuốc rất nổi tiếng, từng chữa khỏi bệnh cho vua Trần. Tuy nhiên, nếu các anh muốn biết cụ thể, phải vào hỏi những cụ già trong làng vì họ biết nhiều hơn chúng tôi". Người dân cũng chỉ cho chúng tôi xem tảng đá hình con cóc tía mà tương truyền ngày xưa, Trâu Canh dựng nhà ở gần đó. Ở đây, họ gọi tảng đá này là con cóc ngồi mâm xôi và rất lấy làm tự hào khi kể nó. Đứng trên đỉnh núi Tử Trầm, nhìn xung quanh thấy bốn bề rộng lớn, chúng tôi tự hỏi, căn nhà xưa của Trâu Canh nay ở chốn nào.
Cuộc đời dâu bể, căn nhà xưa của danh y cũng đã biến mất từ thuở nào. Có điều, người dân ở đây đều nhớ tới ông dù cách biệt đã gần 7 thế kỷ. Có lẽ, đây cũng là niềm an ủi của một thầy thuốc mà cho đến bây giờ, công tội vẫn còn nhiều tranh cãi. Cũng theo người dân nơi đây, Trâu Canh (hay Trâu Công Canh) hiện được thờ trong chùa Trầm và trở thành một vị thần quan trọng trong hệ thống tượng thờ ở đây. Thiết nghĩ, đây cũng là một ghi nhận của nhân dân đối với ông.
Phạm Thiệu