Thông thường, trên lý thuyết, một cầu thủ sẽ đạt điểm rơi phong độ ở khoảng 26-28 tuổi. Thế nhưng, khi 26 tuổi, Owen đã phải ngậm ngùi xách va li từ Tây Ban Nha về Anh sau 1 năm mài đũng quần trên băng ghế dự bị ở Real Madrid.
Michael Owen, một trong những thần đồng “yểu tướng” điển hình của bóng đá thế giới.
Từ trường hợp của Owen
Thời điểm anh cập bến Newcastle, Owen đã phải vật lộn với chấn thương gân khoeo dai dẳng trong một thời gian dài. Anh không bao giờ lấy lại được phong độ như thời gian khoác áo Liverpool nữa. Cụ thể hơn, thời kỳ đỉnh cao của Michael Owen đã hoàn toàn kết thúc ở tuổi 26.
Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (viết tắt là PFA) từng đưa ra nhận định: tuổi thọ trung bình của đời cầu thủ là 8 năm. Vậy thì Owen, 26 tuổi, đã thi đấu chuyên nghiệp 10 năm và rồi đứng ở bên kia sườn dốc sự nghiệp là điều không quá bất ngờ. Như vị HLV thể lực của Manchester United, ông Tony Strudwick từng nói: “Mỗi cầu thủ đều có vòng đời nghề nghiệp giới hạn, tùy thuộc vào thời điểm họ bắt đầu, lúc 16 hay 21 tuổi. Không khó để chơi 40 trận/mùa đối với những cầu thủ trẻ chỉ mới 16, 17 tuổi. Nhưng để thể lực và phong độ lúc nào cũng sung mãn trong một thời gian dài là điều rất khó”.
Người ta có thể đưa ra dẫn chứng để phản bác lại những lập luận này. Một ví dụ điển hình là Raul Gonzalez, “hoàng tử thành Madrid” hiện vẫn đang chơi bóng cho Al Sadd, đội bóng ở giải ngoại hạng Qatar. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi.
Thực chất, Raul đã không còn ở vào thời kỳ đỉnh cao khi dính chấn thương ở Bernabeu những năm cuối và đó là một trong nhiều lý do khiến anh bị đẩy đi. Sang Schalke 04, Raul vẫn đóng vai “người hùng” nhưng không bao giờ giữ được hình ảnh “Chúa Nhẫn” nguyên vẹn. Tuổi tác đã khiến Raul trở nên chậm chạp và lười bóng hơn. Nói cách khác, Raul là một trong những cầu thủ có thể vượt qua những đau đớn cơ thể mà chấn thương gây ra, nhưng lại không đủ mạnh để vượt qua những áp lực về tâm lý, stress mà sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp tạo nên.
Khắc nghiệt như Premier League
Theo ông Strudwick, những rủi ro nghề nghiệp của cầu thủ bóng đá nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Một cầu thủ giỏi sẽ khiến đối thủ sát sao và chú ý nhiều hơn, điều này đồng nghĩa với việc chấn thương sẽ đều đặn đến. Với một môi trường bóng đá khắc nghiệt như Premier League, quy luật đào thải càng khiến cho cầu thủ phải dốc hết thể lực và trí lực của mình cho từng trận cầu. Họ bị quá tải bởi lịch thi đấu dày đặc, thậm chí không có kỳ nghỉ Đông, không Giáng Sinh…
Những tài năng sớm nở, sớm tàn như Owen không ít. Chúng ta có Patrick Kluivert, cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở trận chung kết Champions League năm 1995 (18 tuổi 327 ngày). Anh đã từng là viên ngọc sáng nhất của Ajax Amsterdam hay Barcelona những năm 90. Cũng giống như Owen, ở năm thứ 10 thi đấu chuyên nghiệp (27 tuổi), anh đã tạm biệt Camp Nou khi không còn giữ được phong độ đỉnh cao.
Kluivert giải nghệ ở tuổi 31 sau những năm tháng “lang bạt” ở Newcastle, Valencia, PSV, Lille. Trái ngược với tiền đạo da màu này, người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với anh Ruud Van Nistelrooy vẫn thi đấu tốt cho Real Madrid đến năm 2010. Và anh chỉ mới giải nghệ từ mùa hè năm ngoái ở tuổi 36 sau khi giúp Malaga giành suất tham dự Champions League. Điều khác biệt là Van Nistelrooy phát triển bình thường, anh chưa bao giờ được coi là tài năng trẻ.
Vấn đề mấu chốt là sự kỳ vọng đặt lên vai những người được gắn mác “thần đồng”. Họ buộc phải trưởng thành từ sớm, buộc phải giữ hình ảnh người hùng bất kể khi nào xuất hiện. Họ phải luôn tiến lên, không được thụt lùi. Tâm lý này khiến cho những cầu thủ trẻ rất dễ xuống dốc không phanh nếu họ chỉ chẳng may sẩy chân.
Theo Thể thao Văn hóa