Theo truyền thống, của hồi môn thường là những đồ dùng, quần áo hay tiền bạc mà người phụ nữ mang từ nhà cha mẹ đẻ đến nhà chồng, thậm chí có cả giường, tủ, rương… Với con nhà giàu, cô dâu còn mang theo rất nhiều tiền bạc dư dả.
Dẫu biết rằng của hồi môn là điều cần thiết nhưng nó sẽ trở thành phản cảm và thước đo nhân cách của con người.
Cô dâu giấu tên hiện đang làm trong một ngân hàng ở New Delhi mới đây đã kiên quyết kiện chồng sắp cưới của mình là Akhshat Gupta, 32 tuổi, khi anh này đỏi hỏi của hồi môn về việc quá cao trong đám cưới, gây áp lực lên gia đình cô gái.
Chia sẻ với các phóng viên, cô gái này nói rằng cuộc hôn nhân của cô với anh Gupta được hai bên gia đình sắp xếp vào hồi tháng 4/2019.
Tuy nhiên không suôn sẻ ngay từ đầu, gia đình nhà trai được cho là "khác người" ngay từ việc đưa ra hàng tá yêu cầu khắt khe với con dâu tương lai và cả gia đình nhà gái.
Không chỉ đưa ra một loạt danh sách quà tặng đắt đỏ, gia đình anh Gupta còn "mặt dày" yêu cầu nhà gái tổ chức đám cưới trong một khu nghỉ dưỡng 5 sao, 1 dây chuyền vàng cho chú rể và bố chú rể và tiền mặt cho những người thân khác trong gia đình.
Cô gái cảm thấy vô cùng ấm ức nhưng gia đình cô vẫn nhân nhượng. Cô gái nói:
"Bố mẹ tôi đã đồng ý với các yêu cầu ban đầu và hứa rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể với số tiền họ tiết kiệm được".
Tuy nhiên chỉ 2 ngày trước khi đám cưới diễn ra, gia đình chú rể đột nhiên yêu cầu nhà gái khoản tiền hồi môn 10 triệu rupee (hơn 3,3 tỷ đồng), thậm chí còn đe dọa sẽ hủy bỏ hôn nhân nếu yêu cầu này không được đáp ứng.
Tức nước vỡ bờ, gia đình cô gái không đưa cho nhà “đào mỏ” kia bất kì điều gì. Nhà Gupta làm ầm mọi việc lên, sau đó thẳng thừng hủy hôn.
Không để họ khoái chí, cô dâu thông minh đã quyết kiện gia đình này ra toà. Ngay sau đó, chú rể Gupta cùng với 10 người thân bên nhà trai đã bị cảnh sát bắt giữ để điều tra.
Cô gái bức xúc tố cáo: "Họ đã làm nhục bố tôi vì yêu cầu không được đáp ứng. Anh ta đã ngay lập tức bỏ đi khỏi đám cưới. Khi người thân của tôi cố gắng giữ anh ta lại, anh ta đã đe dọa họ sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp".
Được biết, xã hội Ấn Độ vẫn đặt nặng vấn đề của hồi môn. Của hồi môn (Dahej) là tài sản, hàng hóa có giá trị mà mỗi cô dâu cần mang theo khi về nhà chồng.
Người Ấn Độ quy định phụ nữ không có quyền thừa kế, nên của hồi môn chính là khoản tài sản mà cha mẹ dành cho con gái khi đến sống ở nhà chồng.
Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái, nhưng dần dần điều ấy đã bị lòng tham của gia đình nhà trai lợi dụng và trở thành gánh nặng đè lên vai những cô gái xuất thân trong gia cảnh thiếu thốn.
Một cô gái về nhà chồng mà không mang đủ của nả theo yêu cầu sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình chồng.
Thậm chí ở Ấn Độ đã từng có gia đình sau khi biết mang thai em bé gái đã nhẫn tâm phá thai vì quá sợ "văn hoá hồi môn" ở nước này.
Và khi không thể chịu đựng nổi, các cô dâu buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tình cảnh "sống không bằng chết". Ghê rợn hơn, nhiều cô gái khác thậm chí còn bị nhà chồng đổ dầu hỏa thiêu sống hoặc ép tự tử.
Đã có không ít tình huống bất ngờ xảy ra mà hầu hết người chịu khổ là các cô gái. Một người phụ nữ đã từng bị chồng đánh đập tàn bạo rồi quay phim lại, gửi cho gia đình nhà gái để đòi của hồi môn.
Mặc dù Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm trao của hồi môn từ năm 1961 nhưng tục lệ này vẫn được áp dụng rộng rãi.
Minh Anh (Theo The Times of India)