Phán quyết này đã giúp thế hệ cầu thủ sau này được tự do chuyển câu lạc bộ sau khi đã hết hạn hợp đồng mà không bị gây khó dễ. Thế nhưng, chàng cầu thủ mạnh mẽ những năm 1980 giờ đây đã béo lên rất nhiều với một cái đầu hói. Đó là kết quả của cuộc sống "bạc bẽo" mang lại cho anh.
"Lật đật" đi kiện, mang khổ vào thân
Jean-Marc Bosman, cựu đội trưởng đội tuyển U21 của Bỉ tâm sự: "Tôi đã từng là một cầu thủ nổi tiếng nhưng giờ đây, không một ai biết đến tôi". Sự nghiệp sân cỏ chấm hết với anh một cách phũ phàng, kéo theo đó là hôn nhân sụp đổ. Chán nản và tuyệt vọng, ông nhanh chóng bị trầm cảm và tìm đến rượu để giải sầu.
Bosman chua chát trải lòng: "Tôi đã làm điều mà các cầu thủ khác không dám làm. Tôi đã kết thúc chế độ nô lệ của giới cầu thủ. Nhưng chính nó đã hủy hoại cuộc sống của tôi". Vì sao Bosman lại rơi vào cuộc sống tồi tệ đến thế trong khi anh đang ở đỉnh cao của sự nghiệp sân cỏ và có cơ hội tỏa sáng hơn bao giờ hết?
Vụ kiện của cựu cầu thủ người Bỉ Jean - Marc Bosman đã mở ra một chương mới cho bóng đá thế giới
Quay ngược lại những năm 1990, khi đó Bosman đang thi đấu cho câu lạc bộ RFC Liege. Bosman dự định sang Pháp thi đấu cho câu lạc bộ Dunkerque khi hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, đội bóng của anh lại đòi khoản bồi thường lên đến 500.000 bảng Anh. Khoản bồi thường quá lớn nên Bosman đành chấp nhận ở lại nhưng ngay vào thời điểm đó, RFC Liege lập tức giảm lương của anh xuống còn 75%, tức 500 bảng Anh/tháng. Không chấp nhận được cái quy định vô lý đó, anh quyết định đi kiện. Nhiều tòa án ở Bỉ đến tòa án châu Âu không chấp nhận đơn kiện "trên trời" của Bosman nhưng anh vẫn kiên trì, cuối cùng cũng đạt được ước nguyện.
Năm 1995, tòa án châu Âu đã tuyên bố tiền vệ người Bỉ chiến thắng nhờ những lý lẽ "hợp tình" của anh. Cơ quan này đồng thời xóa bỏ quy định hạn chế cầu thủ của các nước EU tại các giải Vận động Quốc gia khắp lục địa già.
Rõ ràng, với phán quyết này, rất nhiều cầu thủ ở các nước như Cộng hòa Séc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Romani, Bulgaria… đã có một tương lai rạng rỡ khi cánh cửa vào các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Vai trò lịch sử của Bosman đã thay đổi mạnh đến sự phát triển của bóng đá châu Âu. Nhưng riêng với Bosman, cái phán quyết này lại là bi kịch của anh.
Sau 5 năm ròng đấu tranh tại vô số phiên tòa, Bosman lâm vào cảnh vô sản. Chi phí cho luật sư là toàn bộ gia sản cha mẹ anh để lại, ngay chiếc Porsche yêu thích của anh cũng phải đem đi gán nợ. Tài sản giá trị còn lại duy nhất của anh là căn nhà ọp ẹp, bé tí. Không chỉ dừng lại ở mức độ túng quẫn, Bosman còn bị báo chí đeo bám, công kích nhiều năm liền sau khi thắng kiện. Vì sợ vạ lây, không câu lạc bộ nào ở quê nhà dám nhận anh vì họ cho rằng anh là "mầm họa". Anh đành chấp quay về nước, đầu quân cho câu lạc bộ Charleroi.
Anh nhớ lại: "Họ chỉ trả cho tôi 650 bảng Anh vì những gì tôi đã làm. Và thậm chí số tiền ít ỏi đó cũng bị cắt nốt vì họ không thể chứa chấp một "kẻ nổi loạn" như tôi". Bởi vậy, anh đã tìm đến rượu để chạy trốn thực tại. Khoản trợ cấp xã hội 625 bảng Anh/tháng cũng bị cắt giảm vì anh không phải "nuôi vợ con". Ấy vậy mà có rất nhiều lời đồn đoán rằng, Bosman đã trở thành một triệu phú sau phiên tòa lịch sử đó.
Anh cười mỉa mai: "Họ nghĩ tôi vớ được cả một kho báu và đang ngồi trên cả một đống vàng. Thú thực, gia tài của tôi giờ không đủ để trả lương cho cầu thủ lừng danh Rooney ấy chứ".
Jean - Marc Bosman hồi trẻ là một cầu thủ sáng giá
Phán quyết thay đổi lịch sử
Có thể khẳng định, Bosman đã thay đổi thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu giữa những năm 1990. Cái chế độ theo Bosman gọi là "nô lệ" đối với các cầu thủ thời ấy đã bị xóa bỏ. Sau phiên tòa lịch sử năm nào, phán quyết Bosman ra đời. Các cầu thủ được thương lượng hợp đồng mới với các câu lạc bộ khác nếu hợp đồng hiện tại của họ hết hạn. Cũng nhờ phán quyết này, cầu thủ ngày nay có thể yêu cầu mức lương tương xứng với giá trị của họ trên thị trường mở, tạo ra thời kỳ của "cầu thủ triệu phú".
Các câu lạc bộ châu Âu sợ nhất điều gì? Ngoài chấn thương của các trụ cột hay những trận đấu sa sút phong độ khó lý giải thì đó chính là phán quyết Bosman. Các cầu thủ cũng nhờ có phán quyết Bosman mà họ cảm thấy dễ thở hơn, không bị các câu lạc bộ coi là "vật sở hữu" của riêng mình. Nó cũng chính là cơ hội để các ngôi sao bóng đá có thể "tăng thu nhập" khi hợp đồng sắp hết hạn rồi bỏ túi những khoản tiền lót tay khổng lồ cùng mức lương 320.000 USD/tuần. Phán quyết Bosman dường như có sức mạnh rất lớn.
Nhưng Bosman được xem như nhà giải phóng cầu thủ châu Âu khỏi sự trói buộc với các câu lạc bộ, giúp họ trở thành triệu phú lại bị đưa vào quên lãng. Các cầu thủ hiện tại có biết Bosman là ai hay không? Thật trớ trêu, người từng một thuở được tôn vinh như ân nhân của toàn bộ giới cầu thủ châu Âu giờ đang sống bằng những đồng trợ cấp xã hội còm cõi, vật vã chiến đấu chống lại ma men, gia đình ly tán. Với Bosman, phiên tòa trên không phải chiến thắng lớn nhất của mình mà chính là việc chiến thắng được ma men, vượt lên thử thách của cuộc đời. Cựu tiền đạo người Bỉ chốt lại một câu: "Khổng Tử từng nói, vinh quang lớn nhất không phải không bao giờ vấp ngã mà là biết đứng dậy sau khi ngã".
Hồng Nhung (Theo BBC/Inside World Football)