Cái kết đắng của nông dân vì phân bón giả: Ai phải chịu trách nhiệm?

Cái kết đắng của nông dân vì phân bón giả: Ai phải chịu trách nhiệm?

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 6, 21/10/2016 17:00

Đầu tư hàng chục triệu đồng mua phân bón cho cây, nhưng cây ngày càng chết mòn, cái kết đắng của nhiều hộ nông dân vì phân bón giả đặt ra câu hỏi đã đến lúc quy trách nhiệm về một mối hay chưa?

Trong vai một đại lý đang cần tìm phân bón giá rẻ, PV tìm đến công ty TNHH T.H.P (quận 12), TP.HCM. Tại đây, PV được một nhân viên cho biết, hiện chủ ở không có mặt nên không tiếp khách vào bên trong xưởng.  Thế nhưng qua khe cửa hẹp, PV cũng nhìn thấy được, phía trong xưởng này có khoảng 4, 5 người làm. Trên nền nhà xưởng khá rộng có ngổn ngang rất nhiều cuốc, xẻng, chậu nhựa….Cạnh bên đó là nhiều bao, chai phân bón chất thành đống.

Không máy móc ồn ào, nhân công ít ỏi, vậy mà theo tìm hiểu, mỗi ngày cơ sở này vẫn chuyển đi các nơi hàng xe phân bón được quảng cảo là “công nghệ sản xuất của Mỹ”, “Ion phân cực”. Được biết, công ty này đã hoạt động gần 7 năm và sản phẩm bán đi nhiều địa phương.

Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh “công nghệ cuốc xẻng”, nhiều công ty còn “sản xuất” phân giả bằng cách mua phân Trung Quốc giá rẻ, không rõ nguồn gốc về, sau đó, trộn với các loại phân khác, gắn thương hiệu của các công ty uy tín hoặc một thương hiệu mới rồi bán ra thị trường. Trong vai doanh nghiệp cần nhập hàng Trung Quốc, PV liên hệ với trang dathangquangchau.com chuyên đặt hàng từ Trung Quốc.

Tại đây, nhân viên tìm hàng cho PV báo giá, mỗi bao phân N.P.K có giá 15 tệ, tương đương khoảng 45 ngàn đồng (loại 50kg) nếu lấy số lượng trên 2000 bao. Còn giá 25 tệ là mua với số lượng từ 500 đến dưới 2000 bao. Nếu mua dưới 500 bao thì có giá 35 tệ. Tương tự, còn nhiều loại phân N.P.K có giá rẻ hơn được rao bán tràn lan. Thậm chí, có loại chỉ có 3,8 tệ nếu lấy số lượng 1 – 25 tấn và 3,4 tệ nếu lấy từ 25 – 49 tấn… “Hàng sẽ được nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch và giao tận kho ở Sài Gòn cho người có nhu cầu”, người này cho biết.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Hồng, chủ một rẫy cà phê 5ha tại Lâm Đồng không giấu nổi sự bức xúc: “Vợ chồng tôi đã dành hết của cải tích cóp để mở rộng rẫy cà phê.

Nghe người ta bảo phân bón có thương hiệu đàng hoàng, giá cũng không phải rẻ, thế nhưng càng bón, cây càng chết. Đến khi kiến nghị lên chi cục bảo vệ thực vật và cán bộ khuyến nông thì mới biết là phân bón giả…”. 

Ông Hồng nói rồi trỏ cho chúng tôi về phía rẫy cà phê đang phá dở. Lá rụng, thân héo, đã đến mùa mà chẳng có quả,… Được biết, để có tiền trang trải cho số nợ mua phân bón đợt trước, hai trong số những người con lớn của ông Hồng cũng đã phải rời quê lên TP.HCM làm thuê để có tiền phụ giúp cha mẹ trả nợ…

Xã hội - Cái kết đắng của nông dân vì phân bón giả: Ai phải chịu trách nhiệm?

 Những rẫy cà phê chết mòn vì phân bón giả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho người nông dân?

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam chia sẻ, nhiều vụ việc khi được phát hiện ra rất ồn ào, nhưng sau đó thì lại rơi tõm vào sự lặng im. Sự bao che, lợi ích nhóm của một số cá nhân, tổ chức đang khiến cho tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng trở nên khó kiểm soát. Nhiều trường hợp, khi kiểm định, tổng hàm lượng dinh dưỡng đăng ký là 53% nhưng thực chất chỉ có 1,9% dinh dưỡng, còn lại là bột đá…. Cuối cùng thiệt hại vẫn là người nông dân, đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Ông Thúy dẫn chứng: vụ công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương) bị phát hiện sản xuất, tiêu thụ 1000 tấn phân bón giả từ 2008, Bộ Công an có quyết định khởi tố số 06, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định số 03 chuyên vụ án hình sự để điều tra. Tuy nhiên, sau khi vụ án được chuyển về công an tỉnh Hải Dương điều tra tiếp thì dần bị chìm vào quên lãng.

“Đặc biệt, vụ án công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai) đã bị Tổ liên ngành Ban 389 phát hiện quả tang đang cho công ty sản xuất phân bón giả của Mỹ với số lượng lớn. Các cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng khẳng định đây là loại phân bón giả, kém chất lượng. Nhưng trớ trêu thay, hơn một năm vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã cho dỡ niêm phong và tha, xử lý hành chính. Coi thường tất cả các kết luận của các cơ quan quản lý, các Bộ, “tiền trảm hậu tấu” và đây có nên cho là một vụ điển hình về lợi ích nhóm không? Các Bộ, ngành nghĩ sao? Nếu Thuận Phong không sai thì các bộ ngành kết luận sai. Đề nghị Chính phủ cần có chế tài nghiêm khắc về vụ việc này”, ông Nguyễn Hạc Thúy bức xúc.

Số liệu thống kê của Hiệp hội phân bón, Việt Nam có 800 cơ sở sản xuất và hơn 1.600 công ty kinh doanh, 20.000 đại lý chuyên về phân bón. Còn qua thống kê của Bộ Công thương, toàn quốc có 320 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón, trong đó có 270 DN đã được cấp phép. Nhu cầu tiêu thụ phân bón của 10 triệu hộ nông dân trên cả nước vào khoảng 11 triệu tấn/năm. Trong đó, có từ 30 – 50% các loại phân bón đang lưu thông trên thị trường là giả, kém chất lượng và mỗi năm cả nước thiệt hại khoảng 2,6 tỷ USD vì phân bón giả, kém chất lượng.

Ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho những thiệt hại người nông dân gặp khải khi dùng phân bón giả hiện vẫn chỉ là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, bộ Công Thương: Cần phải cơ chế khen thưởng với việc phát hiện sai phạm

Thời gian gần đây, cùng với thông tin của báo chí, nhiều cơ quan chức năng đã phối hợp trong vụ phát hiện các vụ vi phạm về chất lượng phân bón lớn. Trước đây, chúng ta quản lý phân bón theo danh mục nhưng sau khi Nghị định 202 ra đời thì chuyển sang quản lý theo chất lượng. Có như vậy mới có thể phát hiện phân bón không đủ yêu cầu hoặc không đúng theo công bố. Hiện, còn tồn tại một số doanh nghiệp sản xuất phân bón không đạt chất lượng, đó là hiện tượng tồn tại từ trước và nhiệm vụ của chúng ta là phải giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Về phần giải pháp, theo tôi cần phải hoàn chỉnh lại hệ thống quy định pháp luật, quản lý phân bón theo cách tiếp cận chất lượng, phân công trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan trung ương, địa phương. Đồng thời, có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các đơn vị này.

Cũng cần phải có cơ chế khen thưởng với những cơ quan phát hiện ra vi phạm để đưa ra trước pháp luật xử lý. Như vậy, mới có thể khuyến khích toàn dân cùng chung tay chống lại vấn nạn này”

Nhóm PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.