Cải lương kết hợp Jazz: Lo ngại thành 'pho mát trộn mắm tôm'

Cải lương kết hợp Jazz: Lo ngại thành 'pho mát trộn mắm tôm'

Thứ 3, 14/05/2013 07:41

Ngay từ buổi họp báo ra mắt chương trình, nhiều người đã lo ngại sự kết hợp táo bạo này sẽ trở thành món “mắm tôm trộn pho mát” rất kì dị và khó ăn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đều khẳng định rằng, dù có thể không thành công nhưng món ăn này sẽ không tới mức "khó ăn" như thế.

Cải lương là loại hình nghệ thuật có truyền thống lâu đời của Việt Nam. Từ khi hình thành tới nay, cải lương đã trải qua nhiều lần cách tân để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Giờ đây, khi cải lương  trở thành món ăn cũ chỉ còn phù hợp với khẩu vị của một số đối tượng khán giả hoài cổ. Vấn đề quan trọng nhất, để gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này chính là việc đổi mới cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Vừa qua, một thử nghiệm hoàn toàn mới cho cải lương đã được các nghệ sĩ thể hiện: Cải lương kết hợp jazz.

Sự kiện - Cải lương kết hợp Jazz: Lo ngại thành 'pho mát trộn mắm tôm'

Sự kết hợp giữa cải lương và jazz mà ban nhạc Phù Sa thể hiện buổi khai mạc Luala Concert Xuân Hè 2013 nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Nước mắm trộn pho mát?

Luala Concert ban đầu là một sự kiện quảng bá thương hiệu nhưng ngay sau mùa thứ nhất tổ chức vào hè năm 2012 nó đã trở thành một sự kiện âm nhạc - văn hóa được đông đảo khán giả quan tâm. Với sự xuất hiện của các ca sĩ tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung (Luala concert thu đông 2012), sự thể hiện ngẫu hứng của các nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật, sự thử nghiệm các giai điệu hoàn toàn mới..., góc phố 61 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành địa chỉ được cả khán giả trong nước và quốc tế tìm đến để thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc đa màu sắc. Luala Concert Xuân Hè 2013 vừa khai mạc vào chiều ngày 20/04 và kéo dài đến 12/05 với chủ đề thử nghiệm nhạc điện tử với truyền thống. Những khán giả tham gia buổi khai mạc đã không giấu được sự thích thú khi được thưởng thức những giai điệu "chưa từng nghe" khi các nghệ sĩ kết hợp cải lương - loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc và jazz - dòng nhạc hiện đại đến từ phương Tây.

Jazz là một thể loại nhạc có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Đây là dòng nhạc có sự pha trộn giữa nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Jazz mới ra nhập vào Việt Nam một khoảng thời gian ngắn nhưng với sự trẻ trung, mới lạ, nó đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới nghệ thuật. Có thể nói, jazz đang trở thành một trong những ngôn ngữ âm nhạc quốc tế được hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay sử dụng. Nắm bắt được xu thế này, các nghệ sĩ trong ban nhạc Phù Sa (saxophone Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ guitar Vũ Ngọc Hà, tay trống Lê Quốc Hưng và NSƯT Đào Văn Trung), DJ Trí Minh và đạo diễn âm thanh Nhất Lý đã mạnh dạn sử dụng jazz để truyền tải cải lương với mong muốn sự kết hợp độc đáo này sẽ trở thành ngôn ngữ âm nhạc để Việt Nam hội nhập cùng thế giới.

Ngay từ buổi họp báo ra mắt chương trình, nhiều người đã lo ngại sự kết hợp táo bạo này sẽ trở thành món “mắm tôm trộn pho mát” rất kì dị và khó ăn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đều tự tin khẳng định rằng, mặc dù có thể không thành công nhưng món ăn này sẽ không tới mức "khó ăn" như thế. NSƯT Đào Văn Trung - người đã có nhiều năm gắn bó với sân khấu cải lương chia sẻ: "Nhiều người có thể cho rằng chúng tôi điên, chúng tôi đang trộn mắm tôm với pho mát... Nhưng cái mới bao giờ cũng cần thời gian để thử nghiệm.

Thực ra, với sự kết hợp này, jazz chỉ là cái áo bên ngoài thôi - cái áo thể hiện sự thức thời, phù hợp với xu hướng thời đại còn cải lương mới là cái bên trong, cái cốt lõi. Chúng tôi chưa biết rằng "món ăn" mới này có thành công hay không nhưng nếu có tâm lý e sợ thì chúng ta sẽ không bao giờ có "món" mới. Cá nhân tôi luôn làm nghệ thuật với tâm thức của một người sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ; giống như khi ta trồng một cây ổi vậy. Khi thu hoạch ổi, tôi sẽ tặng cho mỗi người một quả và chắc chắn tôi sẽ nhận lại được nhiều hơn một quả ổi. Từ một quả ổi tôi có thể nhận lại một quả nhãn, một quả xoài, một quả táo... thậm chí là một quả ớt. Đối với việc kết hợp cải lương và jazz cũng vậy; tôi mạnh dạn chia sẻ với đông đảo khán giả cũng để mong nhận lại nhiều nhất những ý kiến đóng góp: Khen, chê, khuyến khích, phản đối...".

Sự kiện - Cải lương kết hợp Jazz: Lo ngại thành 'pho mát trộn mắm tôm' (Hình 2).

NSƯT Đào Văn Trung làm khán giả ngạc nhiên với phần trình diễn cải lương qua ngôn ngữ violon.

Cần thời gian thử nghiệm mới biết thành hay... bại

Nói về ý tưởng kết hợp cải lương với jazz, nghệ sĩ Đào Văn Trung cho biết đây là ý tưởng anh đã nung nấu từ rất lâu. "Nói về chất liệu âm nhạc thì tôi tin rằng nước ta là một trong những nước giàu nhất, nhì thế giới. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những chất liệu âm nhạc riêng đặc sắc, từ dân ca, quan họ, cải lương, chèo tuồng đến chầu văn, ca trù... Bạn bè quốc tế cũng rất yêu thích những chất liệu âm nhạc đó, nhưng khi giao lưu với các nước bạn chúng ta lại chưa có được một chất liệu chung nào là "riêng", là bản sắc. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều có những "giai điệu" quốc gia mà họ đã lồng ghép rất tốt trong tất cả các lĩnh vực xã hội. Chỉ cần khi giai điệu đó vang lên là biết của quốc gia nào.

Nói như vậy không phải để so sánh mà để thấy rằng đã đến lúc chúng ta cần sử dụng các chất liệu âm nhạc phong phú của dân tộc mình để chế biến một bữa tiệc đặc biệt nhất. Trong bữa tiệc ấy có món chính, món phụ, món khai vị... và đương nhiên, món chính là món để quảng bá âm nhạc Việt Nam với thế giới. Với tư cách là người nghệ sĩ, tôi nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm góp sức vào công việc này. Được sự giúp đỡ của nghệ sĩ Nhất Lý, ban nhạc Phù Sa chúng tôi đã mạnh dạn thử nghiệm cải lương trong "chiếc áo" jazz với tham vọng sự mới mẻ này sẽ mang nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế", NSƯT Đào Văn Trung tâm sự.

Mặc dù sự kết hợp cải lương và jazz trong Luala Concert khá mới mẻ và táo bạo nhưng đa số khán giả có mặt ở góc phố Lý Thái Tổ hôm đó đều tỏ ra rất hứng thú. Những giai điệu mới lạ và sự hết mình của các nghệ sĩ đã nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng nhiệt liệt của người xem. Ngoài các tác phẩm "Giã Biệt", "Thú Chơi", "Lý Bốn Phương", "Úm Ba la xì bùa" trên nền nhạc jazz mang đậm tinh thần Việt, NSƯT Đào Văn Trung còn làm khán giả ngạc nhiên với phần trình diễn cải lương qua ngôn ngữ violon. Anh Ngô Quý Bình, sinh viên Học viện âm nhạc không giấu được sự thích thú khi theo dõi phần biểu diễn cách tân của các nghệ sĩ: "Bản thân là sinh viên nhạc viện nhưng thú thực, khi nghe những giai điệu này tôi thấy rất lạ lẫm và thú vị. Từ trước tới giờ không ai nghĩ rằng một loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống như cải lương lại có thể kết hợp được với một giai điệu phương Tây hiện đại như Jazz”.

Tuy nhận được nhiều phản hồi tốt nhưng nhìn chung, đây mới là lần thử nghiệm đầu tiên của jazz và cải lương nên vẫn còn nhiều ý kiến lo sợ sự kết hợp này sẽ làm cho cải lương bị biến chất, bị biến dị. Chính vì vậy, điều quan trọng là vẫn cần thời gian để thử nghiệm. Liệu "món ăn" này có ngon không, có hợp khẩu vị nhiều người hay không vẫn là một ẩn số khó đoán. "Ý tưởng kết hợp nhạc hiện đại và nhạc truyền thống là một ý tưởng khá hay, là sự cách tân cải lương để mang tới sự mới mẻ, hấp dẫn hơn. Về vấn đề sự kết hợp này có làm cho cải lương biến chất, biến dị hay không thì quan trọng nhất vẫn là cách "chế biến". Nếu sự kết hợp này hài hòa, tôn vinh được cả hai thể loại âm nhạc, nhất là cải lương thì không có lý do gì để những người làm nghề như chúng tôi không hoan nghênh cả", nghệ sĩ cải lương Quế Trân chia sẻ.                         

Cải lương "bắt tay" nhạc cổ điển

Ngày bế mạc Luala Concert, ban nhạc Phù Sa tiếp tục thử nghiệm một sự kết hợp táo bạo khó khăn hơn, đó là giao hưởng và cải lương. NSƯT Đào Văn Trung cho biết: "Kết hợp jazz và cải lương khó một thì kết hợp cải lương và giao hưởng khó mười. Vì đây là thể loại âm nhạc bác học nên chỉ riêng việc thể hiện đúng nguyên gốc đã khó chứ chưa nói tới việc kết hợp với một thể loại khác, đặc biệt là cải lương. Tuy nhiên, một dàn nhạc giao hưởng chơi cải lương thì chắc chắn chưa ai từng thấy, ai cũng tò mò muốn nghe. Đây chính là động lực và áp lực đối với chúng tôi trong lần biểu diễn này".   

Nhung Đinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.