Đó là ý kiến của một số chuyên gia tại hội thảo “Loại bỏ xăng tạp chất vì sự an toàn của động cơ” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm 25/4. Thời gian qua, dư luận vô cùng hoang mang khi tình trạng cháy, nổ xe máy, ô tô diễn ra như cơm bữa không rõ nguyên nhân.
Chất lượng xăng dầu luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm
Các cơ quan có trách nhiệm cũng chưa đưa ra một lời giải thích thỏa đáng để “an ủi” lòng dân. Mới đây, dư luận lại “sôi sục” khi báo chí phanh phui hàng chục phi vụ làm ăn gian lận của các cửa hàng xăng dầu. Các chuyên gia nhận định, xăng dầu rởm đang là thủ phạm bị tình nghi số một cho “thảm họa” cháy nổ xe.
Trao đổi với Người đưa tin, PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng, giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) cho rằng:
“Xăng, dầu rởm là các nhiên liệu không đảm bảo thành phần theo như tiêu chuẩn đã quy định của quốc tế, khu vực hoặc quốc gia. Áp dụng chiêu bài này, các DN muốn “qua mặt” người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng có những âm mưu làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.
Theo TS Hùng, những người tham gia làm xăng dầu rởm chắc chắn phải có kiến thức chuyên môn. Họ câu kết và lôi kéo các nhà bán buôn, bán lẻ thuộc các loại hình kinh tế để tiêu thụ.
Để qua mặt cơ quan chức năng, họ “phù phép” bằng cách pha nước lã vào xăng, hoặc cho thêm một số chất phụ gia để nâng chỉ số octan… Rõ ràng, đã có mối liên kết “ma quỷ” trong những phi vụ làm ăn bất chính này.
Trước thực trạng các cửa hàng xăng dầu rởm “tác oai tác quái” thời gian qua, TS Hùng thẳng thắn: “Cần xem lại trách nhiệm về quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát xăng dầu.
Thực tế, chỉ khi nhân dân phát hiện vi phạm, cơ quan công quyền mới nhập cuộc điều tra. Cần có những hình thức nghiêm trị về kinh tế đối với các cơ sở để xảy ra tình trạng bát nháo trên. Bất cứ hành động gian dối nào về xăng dầu sẽ bị đình kinh doanh chỉ vĩnh viễn, chứ không phải “giơ cao đánh khẽ”.
Trước sức ép của các chuyên gia, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhận định:
“Nhiều người cho rằng xăng là nguyên nhân gây cháy nổ xe trong thời gian qua là bất hợp lý, thiếu khách quan, không khoa học. Thực tế, chưa cơ quan nào kết luận xăng là “thủ phạm” gây cháy xe. Nếu cứ chạy theo nguyên nhân từ xăng, tôi cam đoan chẳng bao giờ chúng ta có kết quả. Chúng ta không tin vào Nhà nước thì còn biết tin vào ai?”.
Ông Kiên cũng khẳng định, nhìn chung chất lượng xăng dầu ở Việt Nam được quản lý một cách tốt nhất trong tất cả các loại hàng hóa. Tuy nhiên, gian lận thương mại thì ngành nào cũng tồn tại. Đó là mặt trái không tránh khỏi. Các chuyên gia cho rằng, khâu quản lý, kiểm soát của chúng ta có vấn đề là không hoàn toàn đúng. Thực tế, cơ quan chức năng đã làm hết sức mình.
Nghi ngờ kết quả kiểm tra
Trao đổi với Người đưa tin, PGS. TS Đinh Ngọc Ân, trưởng khoa Cơ khí Động lực (ĐH SPKT Hưng Yên) tỏ ra nghi ngờ trước kết quả kiểm nghiệm một số mẫu xăng tại Bắc Giang, Hà Nội của cơ quan chức năng.
Theo TS Ân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng hiện đã quá lỗi thời, áp dụng vào thời điểm này là không hợp lý. Hơn nữa, cơ quan chức năng chỉ xét 6 chỉ tiêu (trị số octan, hàm lượng lưu huỳnh, áp suất hơi, hàm lượng oxy, metanol và nước) nên kết luận đều đạt tiêu chuẩn. “Có nhiều chỉ tiêu khác tại sao lại không được đưa ra kiểm tra.
Các chất gây nhiễm nước, chất phá hủy đường ống nhiên liệu và các doăng cao su sao lại không có tính đến. Tất cả cần phải đưa về cùng một tiêu chuẩn để so sánh. Liệu có gì khuất tất đằng sau?.”, TS Ân đặt câu hỏi.
Chất lượng được quản lý rất chặt chẽ
Ông Trần Quốc Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (QLCL) sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH&CN) cho rằng: “Chất lượng xăng dầu được quản lý rất chặt chẽ từ sản xuất, nhập khẩu cho đến lưu thông trên thị trường.
100% lô xăng dầu nhập khẩu đảm bảo được kiểm tra chất lượng từ các tổ chức, cơ quan chức năng và bản thân doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả đánh giá độc lập, nếu không đạt yêu cầu chắc chắn không được thông quan.
Đối với xăng dầu lưu thông trên thị trường, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, lỗi chủ yếu là không đạt về chỉ số octan.”
Qua kiểm tra của Cục QLCL chất lượng sản phẩm – hàng hóa tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh cho thấy, xăng dầu kém chất lượng vẫn được “ngấm ngầm” bán cho người dân. Kết quả thử nghiệm ngẫu nhiên 15 mẫu RON95; 18 mẫu xăng RON92; 30 mẫu dầu Diezen cho thấy đều không đạt tiêu chuẩn. |
Anh Đức