Cái nhìn từ Việt Nam trước cuộc đảo chính ở Ai Cập

Cái nhìn từ Việt Nam trước cuộc đảo chính ở Ai Cập

Thứ 5, 04/07/2013 15:28

Trước cuộc đảo chính “chóng vánh” tại Ai Cập, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn “nóng” với PGS.TS. Bùi Nhật Quang - Viện trưởng, Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông về những khúc mắc ẩn sau sự kiện này.

- Xin tiến sỹ cho biết, tại sao dù được bầu cử một cách dân chủ mà chỉ sau một thời gian ngắn, Tổng thống Morsy “theo bước” người tiền nhiệm Mubarak? Và người dân Ai Cập lại bày tỏ sự đồng tình trước diễn tiến này?

Trước hết, chúng ta cần thấy rằng Ai Cập là quốc gia có hệ thống chính trị rất phức tạp với quy trình bầu cử Tổng thống được thay đổi nhiều lần, từ bầu gián tiếp sang bầu trực tiếp. Ông Mohamed Morsy là Tổng thống thứ 5 của Ai Cập và cũng là vị Tổng thống đầu tiên của thời kỳ “hậu Mùa xuân Arab”. Mặc dù vậy, vị thế của ông Morsy không được vững chắc dù đã được bầu cử dân chủ do hai lý do chính như sau:

Thứ nhất, khi tổ chức bầu cử năm 2012, nếu như tỷ lệ cử tri hào hứng đi bầu cử lên đến 80% ở đợt 1 thì đến đợt hai, chỉ có 35% cử tri đi bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử như vậy là quá thấp do người dân biểu thị sự chán nản với cả hai ứng viên lúc đó là ông Morsy – ứng viên của phong trào Anh em Hồi giáo và ông Ahmed Shafiq – nguyên Thủ tướng của chế độ Mubarak. Kết quả bầu cử thì như chúng ta đã biết, ông Morsy chỉ dành được chiến thắng với tỷ lệ 51,73% số phiếu bầu. Số cử tri đi bầu ít và số phiếu dành được chỉ quá bán một chút có nghĩa rà một bộ phận lớn dân chúng Ai Cập không ủng hội ông Morsy.

Thứ hai, trong hơn một năm điều hành đất nước, Tổng thống Morsy đã không làm được nhiều điều như cam kết: ông có xu hướng thâu tóm quyền lực cho cá nhân và cho tổ chức Anh em Hồi giáo bằng việc đưa ra Hiến pháp mới, cùng với đó tình hình kinh tế, xã hội ngày càng bi đát, tăng trưởng kinh tế giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đến mức kỷ lục 13,2%, v.v…

Như vậy, một vị Tổng thống dù được bầu cử dân chủ nhưng không nhận được sự ủng hộ của số đông và kết quả điều hành đất nước không đáp ứng được kỳ vọng của dân chúng sẽ khó có thể giữ được vị trí của mình.

Tiêu điểm - Cái nhìn từ Việt Nam trước cuộc đảo chính ở Ai Cập

PGS.TS. Bùi Nhật Quang (người thứ 3 từ trái sang) trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Ai Cập. Ảnh do nhân vật cung cấp

 - Theo ông, vai trò và vị trí của quân đội trong cuộc đảo chính lần này là gì?

Quân đội luôn có vai trò quan trọng trong suốt lịch sử phát triển cận, hiện đại của Ai Cập. Chúng ta cần ghi nhớ rằng 4 Tổng thống đầu tiên của Ai Cập đều xuất thân từ phong trào Sĩ quan Tự do (Free Officers) của lực lượng quân đội và tham gia lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952 để thành lập Cộng hòa Arab Ai Cập. Các đời tổng thống đã xây dựng và phát triển nhà nước dựa trên quân đội như một lực lượng chính đảm bảo an ninh và ổn định, dần dần biến Ai Cập trở thành một quốc gia do quân đội nắm quyền.

Quân đội là trụ cột của nhà nước Ai Cập và có truyền thống là lực lượng chính trị quan trọng nhất, có ảnh hưởng to lớn đối với toàn bộ hệ thống thể chế nhà nước. Việc ông Mubarak bị phong trào Mùa xuân Arab lật đổ năm 2011 phần lớn là do mất đi sự ủng hộ của quân đội và mới đây, chính quân đội cũng là lực lượng phế truất vị Tổng thống thứ 5, cũng là Tổng thống đầu tiên thời kỳ hậu Mùa xuân Arab – ông Mohamed Morsy.

Sự việc lần này có điểm nào giống và khác so với sự kiện lật đổ ông Hosni Mubarak trước kia?

Việc lật đổ ông Mubarak và ông Mursy có một số điểm tương đồng: đó là vai trò quyết định của lực lượng quân đội. Trong trường hợp ông Mubarak, vì không được quân đội ủng hội nên Chính phủ đã nhanh chóng sụp đổ sau vài tháng biểu tình của phong trào Mùa xuân Arab dù rằng đó là một chính phủ đã được ông Mubarak lãnh đạo và nắm quyền trong suốt 30 năm. Đối với trường hợp ông Mursy, chúng ta vẫn thấy vai trò quyết định của quân đội và trong lần này, quân đội là lực lượng trực tiếp can thiệp và phế truất Tổng thống.

Mặc dù vậy, vẫn có sự khác biệt đáng kể. Chính phủ của cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ trước hết là do các nguyên nhân bên trong của một chế độ đã cầm quyền quá lâu và cũng cần nhắc lại rằng, Ai Cập thời kỳ Mubarak luôn trong tình trạng thiết quân luật với những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do của người dân trong suốt 30 năm. Những căng thẳng nội bộ, phản ứng của người dân với cá nhân nhà lãnh đạo, lại được truyền cảm hứng từ thành công của phong trào biểu tình tại nước Tunisia láng giềng đã khiến cho ông Mubarak bị lật đổ vào năm 2011.

Đối với ông Morsy, vấn đề lại là sự bức xúc của người dân đối với tình trạng kinh tế, xã hội không được cải thiện, xu hướng thâu tóm quyền lực và đặc biệt là xu hướng Hồi giáo hóa chính trị tại quốc gia có truyền thống lâu năm của Chủ nghĩa Thế tục.

Kết quả là Ai Cập tiếp tục lâm vào khủng hoảng và tình trạng hiện tại khiến cho tôi dự đoán rằng các khó khăn, vướng mắc của Ai Cập vẫn sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Trong tương lại gần, chưa thể có một kịch bản phát triển nào thực sự sáng sủa đối với quốc gia ra quan trọng hàng đầu trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi này. 

Tuệ Minh

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.