Khởi đầu thí nghiệm, các nhà khoa học này ép những con chuột uống rượu với tỷ lệ tương đương 1 người uống 1 chai vodka 1 ngày. Ban đầu, những chú chuột này không chịu uống nhưng các nhà khoa học đã thêm vào rượu chất làm ngọt và chúng đã uống. Sau 4 tháng uống liên tục, cơ thể của những chú chuột này đã biến đổi thành "kẻ nghiện rượu".
Tiếp đó, các nhà khoa học đã tiêm tế bào gốc từ mỡ người vào tĩnh mạch những chú chuột thí nghiệm. Điều thú vị là các dấu hiệu thúc đẩy nguy cơ tái nghiện rượu ở người (viêm trong não và stress oxy hóa) trong cơ thể các chú chuột đã sụt giảm nhanh chóng. 48 giờ sau, các nhà khoa học đã đặt rượu trước mặt những chú chuột để xem phản ứng của chúng thế nào.
Kết quả chúng không uống rượu mà tìm đến uống nước lọc. 2 tuần liên tiếp sau đó, những chú chuột phải ngồi trước rượu 1 giờ mỗi ngày. Lúc này có sự phân tán xảy ra, một số con uống rượu tuy nhiên khá ít, một số con không hề đụng đến rượu. Như vậy, lượng rượu những chú chuột này tiêu thụ đã giảm 80 – 90% sau 2 tuần được tiêm tế bào gốc từ mỡ.
Yedy Israel, một nhà nghiên cứu trong nhóm các nhà khoa học Chile này cho biết họ đang hoàn tất thủ tục để được tiến hành thí nghiệm này lên người. Họ đặt rất nhiều hi vọng vào thí nghiệm này bởi hầu hết các cơ chế sinh hóa trên cơ thể chuột đều giống người và việc lấy tế bào gốc từ mỡ người cũng không phức tạp.
Trong trường hợp thí nghiệm này thành công trên người và được đem vào áp dụng thực tế, tật nghiện rượu có thể được loại bỏ tận gốc nhờ loại bỏ những yếu tố từ trong não bộ khiến người ta luôn thèm rượu.
Đa phần các phương pháp cai nghiện rượu hiện nay đều không cho kết quả thành công cao và khả năng tái nghiện lớn. Riêng phương pháp tiêm tế bào gốc này hứa hẹn mức độ thành công lên đến 90% và khả năng tái nghiện thấp.