Cần 3-5 năm để hoàn thành
Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành sông Thames của tập đoàn Phương Bắc gửi UBND TP.Hà Nội đã nhận được nhiều sự chú ý, đặc biệt là với người dân Thủ đô, họ bày tỏ mong muốn con sông này sẽ được hồi sinh.
Ngày 6/12, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Văn Long, Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn đưa ra ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch.
Chia sẻ về lý do đề ra đề xuất cải tạo sông Tô Lịch, ông Đàm Văn Long cho hay: “Xuất phát ý tưởng là sau khi thấy mong muốn của người dân là muốn được sống trong một môi trường xanh-sạch-đẹp. Con sông Tô Lịch ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhiều người dân thành phố Hà Nội. Trong khi đó, đất nước ta đang phát triển, có rất nhiều công trình đang xây dựng, vậy thì tại sao với một con sông đang “chết” như vậy mà không được quan tâm...Vì thế, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội xin đồng ý cho chủ trương để sau đó chúng tôi sẽ đứng ra tự làm tư vấn cũng như kêu gọi các nhà đầu tư cùng thực hiện”.
Tiết lộ thêm về các bước để có thể cải tạo dòng sông này, ông Đàm Văn Long cho hay: “Trước mắt, chúng tôi làm văn bản gửi UBND TP.Hà Nội xin chủ trương, sau đó gặp gỡ một số các nhà đầu tư để mời cùng tham gia, tiếp nữa chúng tôi cũng sẽ làm các đề xuất đầu tư cũng như làm các công tác đấu thầu nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Ngoài việc để sông Tô Lịch trở nên xanh-sạch-đẹp, phía tập đoàn này còn có mục đích cải tạo dòng sông để phát triển du lịch bao gồm du lịch đường sông và các quán cafe nổi trên sông… Tuy nhiên, việc này nhiều ý kiến cho rằng nếu thực tiễn đi vào hoạt động thì sẽ lại “rác ngập rác”.
Nói về ý kiến trên, ông Đàm Văn Long chia sẻ: “Trong văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, chúng tôi mong muốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Kết hợp giữa xây dựng – chuyển giao (BT) và xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) như sau: Xây dựng – chuyển giao (BT): Ủy Ban Nhân dân Hà Nội sẽ thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư. Xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT): Nhà đầu tư sẽ đầu tư để kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch. Tuy nhiên, để khai thác du lịch cần phải có tổ chức quản lý, làm sao phát triển một cách hài hòa, bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường dòng nước cũng như môi trường người dân ở hai bên xung quanh”.
Cũng tiết lộ thêm thời gian hoàn thiện chủ trương cải tạo sông Tô Lịch, vị Chủ tịch HĐQT của tập đoàn này cho hay: “Nếu sau khi được chấp nhận chủ trương, cũng như các nhà đầu tư đã sẵn sàng thì thời gian thi công sẽ mất khoảng 3-5 năm”.
Về kinh nghiệm của tập đoàn trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm dòng sông, ông Đàm Văn Long cho biết: “Tập đoàn của chúng tôi làm rất nhiều công trình ở Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là công trình về phá dỡ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phá dỡ tòa nhà 8B, Lê Trực. Tuy nhiên, để thực hiện cải tạo dòng sông thì chúng tôi sẽ thuê các chuyên gia tư vấn, để hỗ trợ tập đoàn”.
Liệu có khả thi?
Cũng liên quan đến đề xuất cải tạo sông Tô Lịch, ông Đàm Văn Long cho rằng: “Tôi nghĩ đề xuất này hoàn toàn khả thi. Bởi, về kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được, các giải pháp mà chúng tôi đã đề xuất trong văn bản đó là không cho nước thải chảy ra sông mà sẽ làm cống riêng, chạy dọc. Bên cạnh đó, sẽ lấy nguồn nước từ sông Hồng và các sông khác ở Hồ Tây để tạo thành sự hài hòa sông hồ ở Thủ đô Hà Nội, phải có thượng lưu, hạ lưu. Đồng thời, cải tạo lòng sông để đảm bảo có độ dốc, luôn luôn có nước chảy tự nhiên. Ngoài ra, cũng cần kết hợp biện pháp quản lý để ý thức người dân không xả rác, theo dõi quản lý. Đảm bảo các quy trình để bảo không ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, nước sông hoàn toàn tự nhiên và các sinh vật sẽ được sinh sống theo các nhóm tự nhiên”.
Bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này, bởi trước đó cũng đã có rất nhiều dự án cải tạo sông Tô Lịch nhưng cuối cùng các dự án đều trở về con số 0, ông Đàm Văn Long chỉ ra: “Thứ nhất, chúng ta chưa làm thực sự liên quan đến vấn đề bền vững, sông của chúng ta có nước thải chảy, mỗi ngày tích tụ nhiều. Thứ hai, nước sông cũng là nước sông chết, chưa tính toán thủy lợi để đảm bảo có dòng chảy. Thứ ba, ý thức của người dân chưa tốt nên việc cải tạo chưa thành công. Vì thế, lần này nếu cải tạo dòng sông Tô Lịch thì sẽ cần phải làm triệt để, đảm bảo phát triển bền vững”.
Xem video: