Có lẽ chúng ta ở đây – ít có ai lại chưa đọc cuốn sách giáo dục kinh điển “Totto-chan - cô bé bên cửa sổ” ra đời vào năm 1979 của tác giả Kuroyanagi Tetsuko. Đây là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.
Cuốn sách, dưới hình thức tự truyện, kể về Totto-chan, một cô bé mới 6 tuổi đã bị thôi học ở trường tiểu học vì em quá năng động và lạ lùng so với các bạn. Em thường làm theo ý thích của mình, không tuân thủ nguyên tắc lớp học khiến giáo viên phiền lòng đến nỗi phải từ chối dạy em.
Mẹ của Totto-chan biết ngôi trường bình thường không thể hiểu được con gái, bà liền xin cho em vào học tại trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku, nơi có 50 học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan.
Và thầy hiệu trưởng Kobayashi (người có thể ngồi lắng nghe Totto-chan nói luyên thuyên suốt 4 giờ đồng hồ), cùng với phương pháp giáo dục thiên về tôn trọng, thấu hiểu tâm lý học sinh, lấy học sinh làm trung tâm đã khiến Totto-chan và học sinh trường Tomoe sau này đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội.
Cho đến giờ, cuốn tự truyện nổi tiếng này vẫn được coi là một trong số những tác phẩm gối đầu giường của các nhà sư phạm trên thế giới. Song có lẽ nó đã không có may mắn được cô Nguyễn Thị Phương Thủy đọc.
Bởi vậy nên cô Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, trường THCS xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã vừa gây ra một vụ việc chấn động ngành giáo dục vào đúng dịp cả nước tôn vinh nghề giáo.
Ngày 19/11, để phạt em Hoàng Long N. vì lỗi nói tục, cô Thủy đã bắt 23 học sinh cùng lớp tát vào mặt N, mỗi em phải tát đủ 10 cái, em nào tát nhẹ hoặc tát thiếu sẽ bị nạn nhân tát lại gấp đôi.
Đau lòng hơn cả là trong đó có con ông cậu của N, mặc dù không muốn tát anh họ mình nhưng vì sợ cô giáo phạt ngược nên phải vừa khóc vừa tát.
Phẫn nộ hơn cả là khi bạn cuối cùng tát xong, vì quá uất ức nên N có chửi đổng một câu, lập tức cô Thủy xông vào tát thêm một cái “chốt hạ”. Cái tát này đủ lực để nạn nhân phải đi cấp cứu và nó mạnh đến nỗi làm “lật mặt” tất cả những ai đang nhân danh ngành giáo dục để che đậy cho bệnh thành tích, cho bạo lực học đường và cho cả sự giận dữ tăm tối của mình.
Thật vậy, chỉ vì nhà trường quy định học sinh nào nói tục thì lớp bị trừ điểm thi đua nặng mà cô giáo này đã đặt ra hình phạt học sinh không khác gì tra tấn thể xác lẫn hạ nhục tinh thần.
Lẽ ra, giáo dục phải luôn lấy việc hướng thiện cho con người làm gốc, cô giáo phải dùng lý lẽ, tình yêu thương để hóa giải mâu thuẫn, bạo lực giữa các học sinh, thì cô này lại châm ngòi cho bạo lực, giải quyết bạo lực bằng bạo lực ở cấp độ cao hơn.
Truyền thống đùm bọc “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của cha ông cũng bị cô Thủy chà đạp khi lôi kéo vài chục em học sinh vào việc hành hạ và chế nhạo bạn học khi bạn này mắc lỗi.
“Tiên học lễ, hậu học văn” – khẩu hiệu dán ở khắp mọi không gian giáo dục dường như không đủ sức điều chỉnh hành vi của cô này. Lễ nghi xộc xệch khi mà thầy đánh trò, trò đánh trò thế này liệu việc học văn hóa có được suôn sẻ hay không?
Ấy thế nhưng, bệnh thành tích, sự giả dối của môi trường giáo dục nơi cô Thủy đang công tác không những không được giác ngộ mà còn tiếp tục phát lộ một cách thô thiển.
Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường có đến thăm hỏi nạn nhân nhưng chủ yếu là để thuyết phục gia đình không làm to chuyện vì trường sắp đạt trường chuẩn Quốc gia.
Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh cũng trả lời trên báo Tiền Phong, thừa nhận toàn bộ sự việc và xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Bà Lệ Anh không muốn chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân mà toàn bộ công sức của tập thể nhà trường đổ xuống sông, xuống biển.
Lại nhớ, tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, khi phát biểu góp ý cho luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, dù có nói trời nói bể thì hai phạm trù hồn cốt của giáo dục vẫn phải là đạo đức và tri thức, phương pháp giáo dục nào cũng phải có tính hướng thiện, dạy dỗ con người ta học làm người và xây dựng Tổ quốc.
Tôi không hiểu triết lý giáo dục của cô giáo Phương Thủy là gì, nhưng rõ ràng lấy bạo lực để răn đe và ngăn chặn một hành vi không đúng của học trò thì chắc chắn không thể đạt được mục đích hướng thiện khi mà trò oán thầy, bạn bè căm ghét lẫn nhau.
230 cái tát mạnh của bạn học vào mặt em Hoàng Long N. khiến cô giáo Thủy đáng bị lên án vì phương pháp sư phạm lệch lạc, phản cảm.
Nhưng phải đến cái tát thứ 231 mới khiến cô như bị “lột trần nhân cách” bởi nó chính là cái tát của sự giận dữ tăm tối, là cái tát đại diện cho sự trấn áp của một người có đầy đủ năng lực hành vi trước đứa học trò lớp 6 non nớt. Công lý học đường đã đi vắng khi cô Thủy vung tay tát cái thứ 231 lên mặt em học sinh của mình.
.....
Năm nay dường như là một năm không mấy suôn sẻ của ngành giáo dục nước nhà. Chưa kể chuyện đề thi đánh đố, gian lận thi cử, rồi cải tiến – “cải lùi” làm tốn bao giấy mực báo chí, nội cái chuyện đạo đức nghề giáo chắc cũng đủ khiến lãnh đạo ngành này đau đầu.
Từ đầu năm đến giờ, hết cô giáo xưng mày - tao, chửi học sinh là con lợn đến cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, và bây giờ là cô giáo tổ chức “đánh hội đồng” học sinh.
Cứ thế này, không khéo mà sang năm Tư lệnh ngành Giáo dục lại chả vớt vát được cái phiếu tín nhiệm nào, vì sợi dây kinh nghiệm đã ngắn đến mức không đủ để rút nữa rồi (!!)
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!