Cái Tết cuối cùng của phi công máy bay Su-22 hy sinh khi làm nhiệm vụ

Cái Tết cuối cùng của phi công máy bay Su-22 hy sinh khi làm nhiệm vụ

Lê Thị Duyên

Lê Thị Duyên

Thứ 4, 01/02/2023 14:18

Tết năm nay phi công Trần Ngọc Duy đã đưa vợ con về nhà ngoại đón năm mới. Tuy nhiên, sau đó anh về đơn vị trước để huấn luyện và gặp nạn nên đã hy sinh.

Kỷ niệm ngày Tết "vui như hội"

Vào 0h00 ngày 1/2, sương giá phủ xuống dày đặc ở tỉnh miền núi Yên Bái. Khu nhà đại thể của bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái càng thêm lạnh lẽo. Thỉnh thoảng có tiếng lách cách từ những cột sắt va vào nhau, dưới ánh đèn vàng vọt, nhiều chiến sĩ đang lặng lẽ chuẩn bị tang lễ cho phi công Trần Ngọc Duy mới hy sinh.

Chiều hôm qua, Đại úy phi công Trần Ngọc Duy (SN 1992), Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân cất cánh chuyến bay đầu tiên của mình trong năm mới. Trong lúc huấn luyện máy bay gặp nạn và Đại úy phi công Trần Ngọc Duy đã hoá thành cánh chim mãi bay trên bầu trời.

Cùng chiều, gia đình ông D. nhận được điện thoại từ đơn vị thông báo con rể gặp nạn. Sau đó, đồng đội đến nhà đưa vợ chồng ông cùng con gái và 2 con nhỏ của Duy từ Ninh Thuận ra sân bay.

Ông D. kể: "Lúc đầu tôi đã linh tính chuyện chẳng lành nhưng chỉ nghĩ Duy bị tai nạn bình thường, trên đường ra sân bay vô tình mở điện thoại đọc tin tức, tôi mới biết con đã hy sinh".

Hay tin, vợ ông Duy ngã khuỵ, đồng đội đi cùng phải thường xuyên túc trực, động viên.

Nhắc về con rể, ông D. cho biết Duy là người cẩn thận, sống tình cảm. Duy quen và kết hôn với con gái ông năm 2016, khi anh đang công tác tại Cam Ranh (Khánh Hoà). Sau này, Duy chuyển công tác về Trung đoàn không quân 921 (Yên Bái). Vài năm sau, vợ Duy cũng chuyển ra làm cùng đơn vị với chồng.

Xã hội - Cái Tết cuối cùng của phi công máy bay Su-22 hy sinh khi làm nhiệm vụ

Ông D., bố vợ phi công Trần Ngọc Duy (Ảnh VTC News)

Cuối năm ngoái, vợ chồng Đại úy Trần Ngọc Duy dành dụm mua căn nhà nho nhỏ ngay cạnh cơ quan, sau khi sửa sang, nơi đây thành tổ ấm mới của vợ chồng trẻ cùng 2 con. Bao dự định, hoài bão từng được chàng phi công trẻ vạch ra trong tương lai.

Ông D. tâm sự, sau khi con gái cùng chồng con chuyển hẳn ra Bắc, nhiều năm nay vợ chồng ông D. cũng chỉ đón Tết một mình. Năm nay là lần đầu tiên con rể đưa vợ con về nhà ngoại ăn Tết dài ngày. Với gia đình ông, đây là cái Tết vui như hội. "Mọi hồi Duy về cũng chỉ 1-2 ngày thôi chứ không được lâu. Nay Duy về tận gần 10 ngày, trong nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười của con cháu, vợ chồng tôi vui lắm", trên gương mặt đượm buồn của ông D. khẽ ánh lên niềm hạnh phúc khi nhớ lại cái Tết đoàn viên vừa qua.

Vài ngày trước Duy trở về đơn vị để thực hiện nhiệm vụ, vợ con anh vẫn ở lại thêm với ông bà ngoại ít hôm. Trước khi đi, Duy còn hẹn với bố vợ "gần đơn vị con có quán cà phê mới khai trương, hè này bố ra con đưa bố đến đó", ông D. vẫn nhớ như in câu nói của con nhưng tiếc là con rể chẳng thể thực hiện được lời hứa với bố vợ mình.

Ngày 1/2, sau lễ viếng, linh cữu của Đại úy phi công Trần Ngọc Duy được di quan về quê nhà Thái Nguyên.

Phi công hy sinh vì cố cứu máy bay

Trước đó, lúc 12h09, chiếc Su-22 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân do đại úy Trần Ngọc Duy cất cánh bay huấn luyện. "Trong lúc hạ cánh, Su-22 gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng đã cố cứu máy bay. Đến 12h27, Su-22 bị rơi, phi công hy sinh", theo Thông tấn quân sự.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân tai nạn; thăm hỏi, động viên gia đình, làm công tác chính sách đối với đại úy Duy và gia đình.

Gần 5 năm trước, máy bay Su-22 số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) bay huấn luyện thường kỳ đã gặp tai nạn trên vùng trời Nghệ An, hai phi công hy sinh.

Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận số lượng nhỏ Su-22M/UM năm 1979. Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Loại máy bay này thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.

Trung đoàn 921 (còn gọi là Đoàn không quân Sao Đỏ) thành lập ngày 3/2/1964. Đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên, thuộc Sư đoàn 371 - Sư đoàn không quân chiến đấu đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước đây, Trung đoàn 921 đóng ở Hà Nội, từ cuối năm 2018, được chuyển lên Yên Bái. Hiện Trung đoàn đã được trang bị 100% máy bay Su, có khả năng mang nhiều loại vũ khí và bán kính tác chiến rộng.

Thùy Anh (t/h Vnexpress, VTC News)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.