Tăng cường quản lý cán bộ giáo dục
Giữa tháng 3/2023, Sở GD&ĐT Tp.HCM đang nghiên cứu đề xuất lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó giữa nhiệm kỳ chứ không chờ đến cuối nhiệm kỳ. Trên thực tế, thời gian vừa qua, tại Tp.HCM có một số lãnh đạo nhà trường đến cuối nhiệm kỳ đã không được bổ nhiệm lại vì tín nhiệm thấp. Những cán bộ quản lý này quay trở lại làm giáo viên.
Như trường hợp bà Trần Thị Thu Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng chuyên môn, Trường THPT Lương Văn Can, quận 8 vừa nhận quyết định chuyển về làm chuyên viên Sở GD&ĐT Tp.HCM vì không được tái bổ nhiệm do không đủ phiếu tín nhiệm tại trường.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, bà Nguyễn Thị Nha Trang, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân cũng không được bổ nhiệm lại, phải xuống làm giáo viên do đang bị kỷ luật vì những sai phạm trong quản lý nhà trường.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã phát huy tối đa tính dân chủ trong đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý tại cơ sở. Trên thực tế, một số trường hợp cá biệt, cán bộ quản lý đến cuối nhiệm kỳ đã không được bổ nhiệm lại vì tín nhiệm thấp.
Nhằm tăng cường công tác quản lý cán bộ, ông Lộc thông tin, bắt đầu từ năm học 2022-2023, với những trường hợp cán bộ quản lý trong thời gian công tác giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục, Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ nghiên cứu và đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những trường hợp đặc biệt này.
Đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải nâng cao được chất lượng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, tránh sức ỳ, đảm bảo lựa chọn được những cán bộ quản lý có đức, có tài.
Đổi mới giáo dục hiện là yêu cầu cấp thiết của toàn ngành và cán bộ quản lý phải là những người tiên phong, từ đó mới tạo được “lửa” đổi mới trong các nhà trường.
Để làm được điều đó, điều quan trọng nhất là cán bộ quản lý phải xây dựng được môi trường để giáo viên được lắng nghe, đóng góp, chia sẻ, giúp quá trình đổi mới của mỗi nhà trường thêm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của trường.
“Việc khen thưởng, kỷ luật phải khách quan, kịp thời, công tâm, có hiệu quả. Mục tiêu duy nhất là hướng đến phát triển nhà trường, tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh rèn luyện, học tập...”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cần đảm bảo công tâm, khách quan
Đánh giá về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, theo quy định, mỗi nhiệm kỳ của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục là 5 năm.
Sau 5 năm thì cơ sở giáo dục sẽ làm quy trình tái bổ nhiệm nếu đủ điều kiện, còn không thì ngược lại là những cán bộ quản lý này sẽ không được tái bổ nhiệm nữa mà sẽ bố trí công việc khác phù hợp hơn. Để đủ điều kiện để tái bổ nhiệm, nhà trường sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của tập thể thông qua bỏ phiếu kín.
Ông Ngai cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất phương án lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với cán bộ quản lý có dư luận xấu kéo dài, giảm sút uy tín, hoặc không điều hành công việc hiệu quả là điều nên làm.
Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động thực tiễn tại các trường học cho thấy, không nhất thiết phải đợi đến hết nhiệm kỳ 5 năm để lấy phiếu tín nhiệm. Nếu trong quá trình làm việc, cán bộ quản lý có những sai phạm, điều tiếng thì có thể tiến hành lấy phiếu tín nhiệm ngay để xem xét.
Trên cơ sở đó, tùy theo từng mức độ mà Sở GD&ĐT Tp.HCM với vai trò cơ quan quản lý sẽ có những nhắc nhở, uốn nắn để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa với những lỗi nhỏ, không nghiêm trọng.
Nếu mức độ nghiêm trọng, số phiếu tín nhiệm quá thấp, cán bộ quản lý không còn đủ uy tín sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp như kỷ luật, điều chuyển công tác hay cho thôi giữ chức vụ.
Như vậy, ngay từ giữa nhiệm kỳ thì các vấn đề khúc mắc của cán bộ quản lý đã được giải quyết, tránh kéo dài quá lâu, gây mất đoàn kết nội bộ. Chưa kể, điều này cũng sẽ giúp cán bộ quản lý nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác, tránh sự ỷ lại trong tư tưởng vì cho rằng đã “chắc ghế”.
Tuy nhiên, ông Ngai cũng nhận định, quan trọng nhất của việc này là phải giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhận ra hạn chế, khuyết điểm của mình để thay đổi, sửa chữa, tạo cơ hội để cho họ phấn đấu sau này.
“Để làm được điều đó, Sở GD&ĐT Tp.HCM phải có phương án, các quy định rõ ràng, chặt chẽ, thấu đáo. Sở cũng cần đề xuất với các cơ quan có liên quan của Thành phố để được phê duyệt, lên phương án xin thí điểm thực hiện. Có như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ mới hiệu quả, tránh sai sót, khiếu kiện, khiếu nại”, ông Ngai nhìn nhận.
Một vấn đề quan trọng khác có thể phát sinh, theo ông Ngai, đó chính là mặt tiêu cực của sự việc. Có rất nhiều lo ngại cho rằng, ở những tập thể không có sự đoàn kết, có sự chia bè kết phái, cố ý moi móc sai sót để hạ bệ cán bộ quản lý thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có thể không khách quan, thiếu chính xác.
Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và chức vụ của cán bộ quản lý, vì có thể làm tốt nhưng vì những tác động không mong muốn, phiếu tín nhiệm vẫn thấp.
“Với việc lấy phiếu tín nhiệm thì còn cần tiếng nói, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường. Các tổ chức này phải có chức năng giám sát, thực hiện một cách công tâm với người lấy phiếu tín nhiệm là cấp trưởng. Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm là cấp phó, thì ngoài tổ chức Đảng, đoàn thể, cấp trưởng phải có trách nhiệm”, ông Ngai chỉ ra.
Bên cạnh chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ thì trong năm học 2022-2023, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Tp.HCM đã tổ chức thi tuyển vị trí phó hiệu trưởng cho Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), Trường THPT An Nhơn Tây và Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) vào tháng 10/2022.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, việc thay đổi hình thức bổ nhiệm vị trí hiệu phó trường học là nhằm mong muốn đội ngũ cán bộ quản lý các trường THPT có năng lực về chuyên môn, giỏi nghiệp vụ quản lý, có đủ trình độ để chuyển đổi mô hình quản lý, hướng đến việc phát triển nhà trường theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Ông Hiếu bày tỏ hy vọng việc tổ chức kỳ thi như thế này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ cán bộ quản lý được quy hoạch, không còn tâm lý chủ quan nếu đã được quy hoạch thì chỉ cần thể hiện năng lực trong trường là được bổ nhiệm.
Và cũng thông qua hình thức thi tuyển vị trí hiệu trưởng, hiệu phó, nhiều ứng viên ở các đơn vị khác nhau có thể tham gia, tạo sự cạnh tranh để hội đồng tuyển dụng có thể lựa chọn cán bộ quản lý tốt hơn.