Quần thể tượng 12 con giáp đang trưng bày ở khu du lịch Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) bỗng dưng gây “sốt” trong cộng đồng với nhiều luồng dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là những bức tượng phản cảm, có phần thô tục bởi phô bày các chi tiết giới tính.
Lại có ý kiến cho rằng các bức tượng đầu thú (12 con giáp), mình người và khỏa thân thể hiện sự sáng tạo trong phản ánh nghệ thuật phồn thực, không có gì đáng chê trách song đặt tại khu du lịch có nhiều trẻ nhỏ cũng không phù hợp.
Để “chữa cháy”, công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dáu – chủ nhân của 12 bức tượng nói trên đã vội vã mặc quần bơi, váy bơi quấn vào các bức tượng để che đi bộ phận nhạy cảm. Nhưng xem ra sự việc càng trầm trọng hơn bởi chưa ai thấy tượng đá mặc quần bơi bao giờ. Đó là chưa kể một số bức tượng có tay được tạc liền sát với phần hông nên khi mặc quần vào thì trông càng thêm phần phản cảm.
Lo ngại khách du lịch xoay lưng, cơ quan quản lý “tuýt còi”, chủ đầu tư khu du lịch này lại dùng tư duy “đẽo cày giữa đường”, “ở đây có bán cá tươi” để một lần nữa thay trang phục cho tượng. Quần bơi, váy quấn được cởi ra để thay bằng các chùm nho bằng nhựa xanh xanh đỏ đỏ che đi bộ phận thể hiện giới tính.
Nhưng xem ra dư luận vẫn chưa hài lòng. Họ vẫn chê là nham nhở, buồn cười. Đến lúc này, Giám đốc công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dáu – ông Hoàng Văn Thiềng đành bất lực thốt lên rằng nhiều người đang nhìn nhận bằng cảm xúc cá nhân chứ chưa nghiêm túc nhìn dưới góc độ giải trí.
Thế mới biết dư luận thật khó tính và thật khó để chiều lòng. Còn nhớ hồi năm ngoái, cũng vẫn Hải Phòng “nổi như cồn” sau khi trưng ra một chú rồng đầu chó. Chú rồng ấy được cư dân mạng đặt tên là Pikachu, nhiều người “cãi” bảo không phải Pikachu thì ừ, dân mạng lại gọi là Pikalong, nghĩa là … nửa rồng nửa Pikachu. Kết quả là chú rồng kỳ quái ấy bị dọn đi, tuy nhiên, lý do chủ yếu là vì nó quá hoành tráng về diện tích và mức độ đầu tư, lại đặt chình ình giữa đường phố chính nên không chịu nổi búa rìu dư luận.
Quay trở lại những bức tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu, cá nhân tôi cho rằng nếu nói nó đẹp hay xấu là do quan điểm của mỗi người. Người làm nghệ thuật có quyền được sáng tạo, còn đón nhận hay không, bộ phận công chúng nào đón nhận là tùy thuộc vào công chúng.
Những bức tượng này đặt trong một khu vui chơi giải trí chứ không đặt ở nơi di tích lịch sử, nơi thờ cúng linh thiêng. Nên chăng nhìn nhận nó ở góc độ giải trí và dưới quan điểm của người làm kinh doanh. Tác phẩm có thể chưa đẹp, có thể ngô nghê buồn cười, nhưng miễn nó tạo được sự vui vẻ cho du khách đến thăm quan là được. Như vậy người tiếp nhận được giải trí còn người kinh doanh được lợi nhuận và sự hài lòng từ khách hàng. Khu du lịch này là nơi phục vụ công chúng bình dân chứ không phải đấu trường để thẩm định tác phẩm nghệ thuật.
Tôi cũng không cho rằng những bức tượng đó phản cảm, thô tục và cần phải cách ly trẻ em. Chúng ta thấy rất nhiều công viên, viện bảo tàng, cụ thể là bảo tàng Dân tộc học ở Việt Nam đang trưng bài những tượng gỗ với hình thù cơ quan sinh dục rõ ràng, thậm chí mô phỏng cả hành vi tính dục, nhưng bao lâu nay không ai ý kiến gì dù hàng ngày có khá nhiều em, nhiều đoàn học sinh đến thăm quan.
Trong cuốn “Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ” của tác giả Tetsuko Kuroyanagi, cuốn sách giáo dục bán chạy nhất ở Nhật sau Thế chiến thứ hai, hình ảnh các em học sinh ở ngôi trường Tô-mô-e cùng tắm trần truồng dưới bể bơi đã gửi đến một thông điệp sâu sắc: Cơ thể con người là hoàn hảo và không nên phân biệt đối xử đối với bộ phận nào.
Những bức tượng đá vốn vô tri, nếu chúng ta nhìn chúng một cách thô tục thì hiển nhiên chúng sẽ trở nên thô tục. Những đứa trẻ khi thăm quan sở thú, chúng vẫn nhìn thấy những con khỉ, dê, ngựa với bộ phận sinh dục sống động không che đậy, nhưng không ông bố bà mẹ nào yêu cầu và cũng chẳng sở thú nào nghĩ đến việc mặc quần áo cho những con thú ấy cả. Thế thì lý do gì phải mặc quần cho tượng đá và tìm cách cách ly trẻ em?
Tôi cho rằng, trong xã hội luôn tồn tại những điều đã trở thành quy ước, nhưng chính những gì đã thành quy ước đó vẫn còn gây tranh cãi thì không phải là không thể thay đổi được.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả