Để cải thiện khả năng tác chiến hải quân, Ukraine gần đây đã nâng cấp phương tiện mặt nước không người lái (USV) đa năng Sea Baby.
USV Sea Baby, do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) sản xuất, sau khi được nâng cấp để mang nhiều chất nổ hơn và hoạt động ở tầm xa hơn, đã trở nên nguy hiểm hơn.
Trao đổi với giới truyền thông Ukraine cuối tuần qua, ông Artem Dehtiarenko, phát ngôn viên của SBU, cho biết Sea Baby đã được nâng cấp để mang hơn 1.000 kg (1 tấn) chất nổ đi quãng đường hơn 620 dặm (gần 1.000 km).
Trước đó, mẫu xuồng tự sát này chỉ có thể tải 800 kg đi quãng đường khoảng 500 dặm (800 km). Sau khi nâng cấp, Sea Baby có thể tấn công mục tiêu của đối phương bất cứ ngõ ngách nào trên Biển Đen.
"Hiện nay, SBU có thể tấn công tàu địch ở hầu hết mọi nơi trên Biển Đen", ông Dehtiarenko tuyên bố.
Theo vị quan chức Ukraine, mẫu xuồng tự sát này đã từng tấn công 11 tàu Nga, bao gồm tàu sân bay mang tên lửa Samum và Pavel Derzhavin, tàu chở dầu SIG, tàu tấn công đổ bộ Olenegorsky Gornyak, tàu kéo Nikolay Moore và tàu trinh sát và thủy văn Vladimir Kozytskyi.
Với việc nâng cấp, Sea Baby, trị giá 204.000 USD, đã tăng cường khả năng đánh chìm "tàu chiến của đối phương trị giá hàng chục triệu USD", ông Dehtiarenko cho hay.
Về USV Sea Baby, theo tác giả HI Sutton, chuyên gia thu thập thông tin tình báo từ các nguồn mở (OSINT), mẫu tàu mặt nước không người lái này dài 6 m, rộng 2 m, phần nổi trên mặt nước cao 0,6 m, có thể đạt tốc độ tối đa 49 hải lý/giờ (90 km/h).
Ngoài tải trọng chính, Sea Baby còn có thể mang theo tên lửa nhiệt áp RPV-16, với các biến thể gồm 2, 4 hoặc 6 ống tên lửa nhỏ. Tên lửa không được dẫn đường và có tầm bắn khoảng 1.000 m (1 km).
Những vũ khí này có thể phục vụ một số mục đích. Ngoài việc là cách chính để tấn công mục tiêu, chúng còn có thể được sử dụng để phòng thủ trước các mối đe dọa trên mặt nước.
Xuồng không người lái USV Sea Baby do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) sản xuất. Ảnh: Defense Express, Nexta TV
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chứng kiến sự nở rộ của các thiết bị không người lái, cả trên không (UAV) và trên biển (USV), được sử dụng cho ở quy mô chưa từng có và cho nhiều mục đích khác nhau, như tấn công tự sát, trinh sát, giám sát…
Tác chiến bằng phương tiện không người lái đã được chứng minh là rất quan trọng và cả hai bên trong cuộc xung đột đang cố gắng chiếm thế thượng phong trong việc tùy chỉnh máy bay không người lái để đáp ứng các mục tiêu mong muốn.
Với việc cuộc chiến vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu dừng lại hoặc chậm lại, nhiều đổi mới như vậy sẽ tiếp tục xuất hiện.
Hồi tháng 6, Ukraine đã cho ra mắt Lực lượng Hệ thống Không người lái (USF) được coi là đầu tiên trên thế giới, nhằm mục đích nâng cao khả năng tác chiến không người lái và robot trên mọi địa hình, từ trên không đến trên biển và trên bộ.
Minh Đức (Theo Interesting Engineering, HI Sutton)