Cải tiến quan trọng giúp tiêm kích MiG-31 “lợi hại hơn xưa”

Cải tiến quan trọng giúp tiêm kích MiG-31 “lợi hại hơn xưa”

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 29/05/2024 06:15

Sau lần nâng cấp gần nhất, biến thể MiG-31I của tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh Mikoyan MiG-31 có thể chiến đấu trong phạm vi lớn hơn và cho hiệu quả cao hơn.

Tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh Mikoyan MiG-31, được NATO gọi là “Foxhound” (Chó săn cáo), tiếp tục là thành phần chủ chốt của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga dù đã cũ. Theo hầu hết các phân tích, MiG-31 được cho là có thể đạt tốc độ Mach 2,83 (nhanh gấp gần 3 lần tốc độ âm thanh). 

Được mô tả là “máy bay chiến đấu hoạt động nhanh nhất thế giới”, Mikoyan MiG-31 (tên mã NATO: Foxhound) đã hoạt động trong hơn 4 thập kỷ nhưng không hề có dấu hiệu của “tuổi già”. Ngược lại, chiến cơ này đã liên tục được nâng cấp trong suốt 40 năm qua, bao gồm từ động cơ đến hệ thống điện tử hàng không và khả năng tên lửa.

Cải tiến quan trọng

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, gần đây, MiG-31I – một biến thể nâng cấp của MiG-31 Foxhound – đã nhận được cải tiến quan trọng: Trang bị cơ chế tiếp nhiên liệu trên không, giúp mở rộng phạm vi hoạt động và hiệu quả chiến đấu của tiêm kích.

“Các máy bay chiến đấu MiG-31I của hàng không tầm xa Nga có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và tăng khoảng cách tham chiến”, TASS dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Mặc dù thường bị nhầm lẫn với MiG-K, nhưng MiG-31I có “động cơ, hệ thống điện tử hàng không và tên lửa khác” so với biến thể MiG-K. MiG-31K được biết đến là máy bay mang tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal, một nguồn tin khác nói với TASS.

Bình luận về ý nghĩa của khả năng mới đối với MiG-31I, nhà phân tích quân sự Vijainder K. Thakur, một phi công đã nghỉ hưu của Không quân Ấn Độ, cho rằng mọi đối thủ đều sẽ phải đặt mình trong tình trạng cảnh giác cao độ một khi MiG-31I cất cánh vì giờ đây hầu hết họ sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được khai hỏa từ tiêm kích này.

Công nghệ - Cải tiến quan trọng giúp tiêm kích MiG-31 “lợi hại hơn xưa”

Tiếp nhiên liệu trên không giúp tăng tầm hoạt động của tiêm kích đánh chặn MiG-31I của Không quân Nga. Ảnh: TASS

Cải tiến quan trọng về khả năng nhận nhiên liệu trên không giúp tiêm kích MiG-31 có sự trở lại ấn tượng, và “lợi hại hơn xưa”.

Giống như một số máy bay phương Tây có thể được tiếp nhiên liệu trên không, điều này về cơ bản giúp mở rộng phạm vi hoạt động của chúng. Vì việc hạ cánh để tiếp nhiên liệu cũng khiến máy bay chiến đấu dễ bị kẻ địch tấn công trong vùng xung đột.

Tuy chưa rõ MiG-31I được tiếp nhiên liệu như thế nào, nhưng theo các thông tin trước đó, MiG-31K đã được tiếp nhiên liệu trên không bằng máy bay chở dầu Il-78 của Nga.

Vì một chiếc Il-78 hoặc Il-78M có khả năng tương đương 2 máy bay chiến thuật nên 2 chiếc MiG-31K có thể được tiếp nhiên liệu cùng một lúc. Với một chiếc MiG-31 cần tới 17,7 tấn nhiên liệu trên máy bay, một chiếc Il-78(M) có thể mang đủ nhiên liệu cho 1-3 lần tiếp nhiên liệu đầy đủ.

Mặc dù có nền tảng cũ hơn nhưng các nâng cấp sẽ cho phép tiêm kích đánh chặn MiG-31 tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trong nhiều năm tới.

Sự huyền bí nhất định

Bắt nguồn từ máy bay đánh chặn MiG-25 – được NATO gọi là “Foxbat” (Dơi cáo), được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số hiện đại, máy bay siêu thanh tầm xa MiG-31 Foxhound (Chó săn cáo) vẫn duy trì được sự huyền bí nhất định ở phương Tây, một phần vì vẫn còn nhiều điều suy đoán về tất cả các khả năng của nó.

Khung máy bay của Mikoyan MiG-31 được cho là chế tạo từ hợp kim bao gồm 49% thép niken hàn hồ quang, 33% hợp kim kim loại nhẹ, 16% titan và 2% vật liệu tổng hợp. Không giống như MiG-25, “Chó săn cáo” có 2 chỗ ngồi, với ghế sau dành cho sĩ quan phụ trách hệ thống vũ khí chuyên dụng.

MiG-31 cũng được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời thân máy bay có tính khí động học cao và được thiết kế hợp lý cho phép nó bay ở độ cao thấp với tốc độ siêu âm cần thiết. Nó được trang bị động cơ phản lực cánh quạt có tỉ lệ đường vòng thấp, cho phép tăng phạm vi chiến đấu.

Công nghệ - Cải tiến quan trọng giúp tiêm kích MiG-31 “lợi hại hơn xưa” (Hình 2).

Máy bay chiến đấu MiG-31 được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết. Ảnh: Bulgarian Military

Công nghệ - Cải tiến quan trọng giúp tiêm kích MiG-31 “lợi hại hơn xưa” (Hình 3).

Tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh Mikoyan MiG-31 của Không quân Nga. Ảnh: Bulgarian Military

Mặc dù MiG-31 không được phát triển để chiến đấu tầm gần hoặc quay đầu nhanh, nhưng nó là máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô có khả năng nhìn xuống và bắn hạ mục tiêu dưới thấp, đồng thời có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc ở độ cao lớn.

Hơn nữa, radar Zaslon của MiG-31 là radar mảng pha đầu tiên trên thế giới có tầm hoạt động 200 km. Nó có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và kiểm soát sự tấn công của 4 mục tiêu trong số đó cùng một lúc.

MiG-31 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1975 và việc sản xuất máy bay này bắt đầu vào năm 1979. Chiến đấu cơ này chính thức được đưa vào sử dụng vào năm 1982.

MiG-31 chưa bao giờ được xuất khẩu và có tổng cộng 519 chiếc được sản xuất. Hầu hết trong số này vẫn phục vụ trong Không quân Nga, trong khi khoảng 30 chiếc được cho là đang phục vụ trong Không quân Kazakhstan.

Syria được cho là đã đặt mua 8 máy bay MiG-31E vào năm 2007, nhưng đơn đặt hàng này sau đó đã bị đình chỉ do áp lực từ Israel cùng với việc Syria thiếu kinh phí. Gần đây hơn, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng 6 chiếc máy bay này có thể đã được chuyển giao cho Không quân Ả Rập Syria sử dụng, nhưng Nga đã phủ nhận việc họ thực sự bán máy bay này cho Syria.

Minh Đức (Theo National Interest, EurAsian Times)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.