Bác sĩ, TS Tâm lý học Lương Cần Liêm chia sẻ: ‘Khi mở cuốn từ điển tâm lý học của Viện Tâm lý, tôi không tìm thấy mục từ “tôi”. Điều này làm chính tôi cũng bối rối. Cái tôi trong truyền thống Việt Nam đi chung với chúng tôi. Trong cuộc sống phát triển, thậm chí giới trẻ quan niệm cái tôi đối chọi với cái chúng tôi’, ông nói.
Còn Tiến sĩ Lê Vinh Quốc, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, do điều kiện kinh tế và xã hội phát triển, người trẻ hôm nay khác với thế hệ 4X, 5X thậm chí 6X, họ có tự ái quá lớn.
Thế hệ trẻ hiện nay thể hiện “cái tôi” bằng mọi cách. Việc thể hiện “cái tôi”, trước hết là phải cho mọi người thấy “cái tôi” đó khác với mọi người, không “đụng hàng” với bất cứ một ai khác.
Khi đam mê thể hiện cái tôi đã quá lớn, dường như những bạn trẻ này quên mất họ đang sống trong một cộng đồng mà mỗi cá nhân là một thành tố tạo nên cộng đồng đó. Với quan niệm “ta là một, là riêng, là tất cả”, họ đã quên trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Ảnh minh họa
‘Cái tôi’ là cá tính của từng người, là sự khác biệt riêng có mà mỗi người muốn khẳng định trước mọi người xung quanh.
Cái tôi không có gì xấu, thậm chí là tốt bởi nó là cách giúp mỗi người tự tin tồn tại trong xã hội. Có ‘cái tôi’ bạn sẽ không phải hoang mang trước câu hỏi ‘Tôi là ai’.
Nhưng mỗi người phải tự biết điều chỉnh nó cho phù hợp với những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình.
Người có cái tôi quá lớn sẽ tự nghĩ mình là số 1, không ai quan trọng hơn mình. Từ đó, bạn sẽ dễ trở nên xem thường người khác, thậm chí là hống hách với những người xung quanh. Nếu như bạn chỉ nhìn thấy giá trị của bản thân mình mà không nhìn thấy được giá trị của những xung quanh, bạn sẽ không thể bước được bất cứ đâu. Khi đó cái tôi chính là sự thất bại của cuộc đời mỗi người. Hay nói cách khác, cái tôi quá lớn, lại chính là cái ‘tội’ của mình.
Còn nhớ, cuối năm ngoái, trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 trường trung học Wellesley ở bang Massachusetts (Mỹ), giáo viên tiếng Anh David McCullough Jr. đã gây sốc khi phát biểu: “Các em chẳng có gì đặc biệt”. Ông cho rằng, sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của giới trẻ phình to. Quan điểm của vị giáo viên này là ‘Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng’.
Thầy giáo tiếng Anh David McCullough Jr
Trong bài phát biểu, ông McCullough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.
Dưới đây là trích đoạn bài phát biểu gây sốc của David McCullough Jr.
“Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.
Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”...
Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”...
Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala...
Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có.
Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.
Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay.
Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.
Hoàng Anh (t/h)