Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hoá truyền thống.
Quà Tết đang nhuốm màu thực dụng
PV: Là một vấn đề không mới nhưng cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề thì câu chuyện biếu, tặng quà Tết lãnh đạo, cấp trên vẫn làm “nóng” dư luận. GS nhận định sao về thực trạng quà Tết đang bị biến tướng?
GS.TS Trần Lâm Biền: Tặng quà tết vốn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trước đây quà tết mang ý nghĩa tinh thần là chính, người ta biếu nhau món quà, giá trị vật chất không cao như chai rượu, hộp bánh, hộp mứt, con gà hoặc những sản vật mà mình tăng gia sản xuất được. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, mỹ tục này đã bị biến tướng, nhuốm màu thực dụng.
Nếu bằng cái tâm, bằng tình cảm đặc biệt của mình với người mình yêu quý thì thiếu gì cách để thể hiện. Đôi khi người ta chỉ cần đến với nhau bằng tình cảm chân thành cũng là điều rất đáng quý trọng. Tặng quà thể hiện sự thân mật, tình thân thì nên giữ nhưng lợi dụng tình thân để hối lộ thì đáng lên án, phải “xóa sổ”.
Hiện nay, quà tết đang bị biến tướng, đôi khi là những món quà hối lộ trá hình, xuất phát từ động cơ vụ lợi. Có trường hợp, quà Tết cũng là dịp để người biếu tặng và người nhận mặc cả, hy vọng được nâng đỡ. Cũng có người tranh thủ chạy chọt, “mua ghế”, mà thực tế đã có những trường hợp trước khi nghỉ đã ký bổ nhiệm, đề bạt cho vài chục người.
Không ai cấm việc đi chúc tết theo phong tục tập quán, cấm ở đây là cấm việc lợi dụng vào văn hoá để biến tướng chạy chức, chạy quyền hoặc vì lợi ích khác. Chính vì thế, cứ vào mỗi dịp cuối năm này, nhiều văn bản, chỉ thị, quy định từ Trung ương đến các địa phương đều được đưa ra. Điều này là cần thiết nhằm ngăn chặn quà biếu dưới mọi hình thức, giữ gìn nét trong sáng của ngày tết.
PV: Cứ cuối năm, Ban Bí thư lại có chỉ thị nhằm ngăn chặn tình trạng biếu quà Tết cấp trên nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Phải chăng chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát dẫn đến việc những quy định đưa ra chưa thật sự hiệu quả, thưa GS.TS?
GS.TS Trần Lâm Biền: Khi một chính sách được đưa thì phải có người theo dõi, giám sát. Theo đó, người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền phải tổ chức thực hiện chỉ đạo của Ban bí thư, của Thủ tướng cho nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả.
Thực tế nhiều năm nay, cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hẳn đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh việc này, mỗi năm nhận hàng nghìn cuộc gọi nhưng chỉ xử lý được một vài trường hợp. Xét đến cùng, người đi biếu và người nhận quà biếu chả dại gì "lạy ông tôi ở bụi này". Quyết tâm chống tham nhũng càng cao thì việc biếu xén quà Tết lại càng trở nên tinh vi, hoạt động bí mật theo kiểu "áo gấm đi đêm", chỉ "anh biết, tôi biết".
Quà biếu biến tướng được nhắc đến cùng chữ "tham" và bản lĩnh của người được biếu quà. Do vậy, điều quan trọng nằm ở sự tự giác, cần nêu cao tính tự giác của cán bộ.
Người lãnh đạo phải gương mẫu
PV: Như GS.TS vừa nói, những biến tướng trong việc biếu tặng quà Tết không chỉ làm mất đi giá trị thiêng liêng truyền thống, mà nó đã bị biến thành cơ hội để nhiều người mua bán, đổi chác. Theo GS.TS, làm sao để đẩy lùi được vấn nạn này?
GS.TS Trần Lâm Biền: Theo tôi, tình trạng biếu tặng quà tết có giảm đi hay không, quan trọng nhất vẫn nằm ở sự cương quyết và gương mẫu của chính lãnh đạo cấp trên. Càng cấp cao càng phải gương mẫu. Nếu quan chức lãnh đạo mà nghiêm túc và trong sáng, dứt khoát không nhận quà tết, thậm chí đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc với người đưa quà tết thì sẽ không còn vấn nạn này. Thế nhưng, người được tặng vẫn vui vẻ nhận thì rất khó ngăn chặn đẩy lùi. Do vậy, người đứng đầu vi phạm, cần phải xử lý nghiêm (không chỉ xử lý bằng hành chính mà phải xử lý hình sự-PV). Ở nhiều nước việc nhận quà ngoài quy định sẽ bị đưa vào tội hối lộ ngay nên đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn được tình trạng biếu tặng quà “không trong sáng”, phải giáo dục sâu rộng, phổ biến các quy định và thực hiện một cách nghiêm túc các quy định ấy. Đồng thời, cần khuyến khích, biểu dương người dân phát giác những hành vi hối lộ trá hình dịp tết.
PV: Xin cảm ơn GS.TS!
Quà tết “ẩn náu” chuyện tham nhũng và nhận hối lộ
Ông Hoàng Nguyên Hồng, cựu chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, phong tục tập quán tặng quà, thăm hỏi nhau mỗi dịp Tết đến, xuân về là một nét văn hóa rất đẹp, thể hiện tình cảm, sự tri ân nhau của người Việt. Tuy nhiên, hiện văn hóa biếu quà Tết ở nước ta đã bị biến tướng, méo mó. Nhiều người lợi dụng ngày Tết để hối lộ bằng tiền, đô la, hiện vật có giá trị lớn nhằm mục đích cá nhân nào đó mang ý nghĩa tiêu cực như chạy chức chạy quyền, xin dự án, xin cái nọ, cái kia.
Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó nhấn mạnh: Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... Đây không phải là lần đầu tiên Ban Bí thư ra một chỉ thị như vậy, nhưng sự nhắc nhở, cảnh báo này không bao giờ thừa. Cứ mỗi dịp Tết đến, tư tưởng phải quà cáp, biếu xén cấp trên lại tái diễn. Câu chuyện tặng quà và nhận quà tặng tết những năm gần đây “ẩn náu” ở đó chuyện tham nhũng và nhận hối lộ có sự biến tướng nhằm phục vụ mục đích mưu cầu lợi ích riêng, mưu cầu danh lợi.
Chỉ thị nhắc lại như vậy để cả người tặng và người được tặng đều phải tự vấn chính mình khi hành động để loại bỏ cái tư tưởng biếu xén đó ngay từ đầu. Đặc biệt, với cán bộ, đảng viên thì càng phải thực hiện nghiêm quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương, trước hết là với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Theo quan điểm của tôi, nếu phát hiện hành vi đưa, nhận quà tết trái quy định, biến tướng của hành vi nhận hối lộ và tham nhũng cần phải xử lý rất mạnh tay như cách chức, cho thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ căn cứ. Như thế mới đảm bảo tính răn đe, chế tài đủ mạnh.
Trả lại nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của quà Tết
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển nhìn nhận: Nhiều năm nay, chúng ta đều đưa ra Chỉ thị về tặng quà tết nhưng việc thực hiện như thế nào, kiểm tra, đôn đốc như thế nào mới là quan trọng. Những quy định mang tính công cụ hành chính nêu trên là hết sức cần thiết, song nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống khi có sự gương mẫu chấp hành của các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị, đồng thời, có cơ chế giám sát hữu hiệu của nhân dân. Chỉ khi thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, những hiện tượng biến tướng trong việc tặng quà dịp Tết mới có thể được loại bỏ, từ đó, trả lại nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của nó.
Thực tế cho thấy, tham nhũng là câu chuyện nổi cộm trong xã hội hiện nay. Việc biếu quà là một cách thức để người ta đút lót khiến người dân bức xúc. Chỉ có điều đó là chúng ta phát hiện những vụ án tham nhũng rất lớn nhưng chưa điều tra xem món quà đến với người tham nhũng, người nhận quà lúc nào. Giả sử có điều tra của cơ quan pháp luật, ví dụ xem số lượng tiền biếu cho một ông sếp nào đó đến vào lúc nào thì sẽ có cách xử lý vấn đề tốt hơn. Theo tôi, phải nâng cao lòng tự trọng, sự liêm sỉ của người lãnh đạo, của người đi đút lót. Khi ý thức đó được nâng lên thì mới giải quyết được vấn đề. Trong đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo nêu gương trên 2 phương diện vừa là cấp trên - người nhận quà, vừa là cấp dưới của một lãnh đạo khác.
Hương Lan