Quy chế của những kỳ thi quốc gia nay đã được các cán bộ UBND huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) học tập và áp dụng. Cụ thể, UBND huyện đã ra văn bản chỉ đạo các phòng ban và các địa phương trong huyện cấm cán bộ, công chức, nhân viên sử dụng các thiết bị công nghệ để ghi hình, ghi âm nội dung cuộc họp, hội nghị mà không có sự cho phép, kiểm duyệt của các đơn vị có thẩm quyền.
Lý giải cho quyết định trên, UBND huyện cho rằng việc phát triển của mạng xã hội (Zalo, Facebook…) giống như một con dao hai lưỡi. Nó vừa có ưu điểm là giúp thông tin được cập nhật nhanh chóng. Nhưng ngược lại, chính nó cũng là công cụ để nhiều thông tin không đúng sự thật lan truyền. Và việc “cấm” ghi âm, ghi hình trong cuộc họp cũng chỉ là một hình thức cảnh giác với các thủ đoạn của những đối tượng xấu, chuyên lấy những hình ảnh, video trên mạng để dàn dựng thành một câu chuyện khác méo mó, khiến cho nhận thức của nhân dân về chính quyền trở nên sai lệch.
Giống như hàng loạt quyết định khác đã được ban hành, quyết định này cũng vấp phải vô số ý kiến trái chiều. Hầu hết những người phản đối đều mượn lời ông bà ta như “Cây ngay không sợ chết đứng”, “Tốt khoe, xấu che”, “Có tật giật mình”… để tăng sức thuyết phục cho quan điểm của mình.
Không những thế, ở thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, hầu hết những vụ việc tiêu cực, gây chấn động dư luận được đưa ra ánh sáng cũng đều nhờ điện thoại ghi âm ghi hình và mạng xã hội.
Đơn cử như sự việc bác sĩ gốc Việt David Dao bị bạo hành trên máy bay của hãng hàng không United Airlines. Nếu không có điện thoại, không có mạng xã hội thì chắc chắn sự việc đó chẳng trở nên lùm xùm. Và khi nó không trở thành một hiện tượng khiến dư luận bức xúc thì chúng ta vẫn cứ phải im lặng với những thứ dã man như vậy.
Hoặc chúng ta có thể nhìn lại sự việc xảy ra vào khoảng giữa năm 2015: Một giáo viên lăng mạ, ném cốc vào hiệu trưởng trong cuộc họp nội bộ tại trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Nếu như không có đoạn clip ghi lại toàn bộ cuộc họp thì người “giáo viên ném cốc” đã chẳng nhận được cái nhìn cảm thông của dư luận. Đồng thời hàng loạt sai phạm tại ngôi trường ấy cũng không bị “bới móc”.
Đành rằng việc giữ danh dự, hình ảnh bản thân và tập thể là việc cần và nên làm, nhất là với những cơ quan công quyền. Nhưng “cấm” dường như là biện pháp hơi quá đà và đi ngược lại sự phát triển của xã hội.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi xin đóng góp một ý tưởng nhỏ để các cán bộ vừa không vấp phải sự phản đối của dư luận, lại vừa không bị bóp méo hình ảnh cá nhân đó là: Hãy cho các cán bộ livestream (quay trực tiếp) cuộc họp. Nếu ai sử dụng hình ảnh của các cán bộ để bôi nhọ thì đã có video trực tiếp đó để đối sánh, chứng minh sự trong sạch, liêm khiết của mình. Còn "người bôi nhọ" phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi những hành vi sai trái.
Vì chỉ có công nghệ mới có thể chiến thắng được công nghệ.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả